Trưởng ban cố vấn JICA Giáo sư Tsuboi Yoshiharu phát biểu tại phiên họp
Chia sẻ về thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý và lưu trữ tín hiệu phát thanh, truyền hình phục vụ công tác thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam, Trưởng Phòng Báo chí và Phát thanh- Truyền hình, Vụ Thông tin Võ Thị Loan cho biết, thời gian qua, công tác phát thanh, truyền hình đưa tin về Quốc hội đã và đang ngày càng được công chúng quan tâm theo dõi. Tại các kỳ họp Quốc hội, Phòng Báo chí và Phát thanh- Truyền hình đã phối hợp với Kênh truyền hình Quốc hội triển khai việc cung cấp thông tin hình ảnh cho các đài phát thanh- truyền hình địa phương về hoạt động thường ngày của Quốc hội trong kỳ họp qua vệ tinh hoặc qua hệ thống FPT server (tiêu chuẩn HD).
Tuy nhiên, công tác thông tin, tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Quốc hội đến với người dân thông qua phát thanh và truyền hình ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập về phương tiện và nhân lực. Hiện tại đội ngũ nhân lực làm công tác này của Phòng Báo chí và Phát thanh- Truyền hình còn yếu và mỏng. Bên cạnh đó, phương tiện thiết bị mà Phòng đang sử dụng cho công tác phát thanh, truyền hình đã rất lỗi thời, hình ảnh không đảm bảo; thiết bị lưu trữ còn hạn chế…
Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phát thanh, truyền hình tại Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản, ông Miro, Phòng Thiết bị, Vụ Tổng hợp, Văn phòng Hạ viện Nhật Bản cho biết: tại Nhật Bản hiện nay, các thiết bị phục vụ hoạt động phát thanh, truyền hình đều được trang bị nhân đôi tại mỗi phòng họp để dự phòng nếu thiết bị đang làm việc có sự cố thì phiên họp vẫn có thể tiếp tục phát sóng trực tiếp mà không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, với mỗi phòng họp ở Quốc hội Nhật Bản đều chuẩn bị thêm 2 phòng điều khiển phụ và có 2 người phụ trách trở lên để dự phòng.
Các phiên họp Quốc hội tại Nhật Bản đều được thu hình và truyền hình trong nội bộ, đồng thời ghi và lưu trữ lại dưới các hình thức băng đĩa… Khi có sự đồng ý của Quốc hội, toàn bộ các hình ảnh từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc của phiên họp của Quốc hội sẽ được truyền hình công khai đến người dân Nhật Bản qua các phương tiện truyền thông liên tục mà không có bất kỳ chỉnh sửa, thuyết minh nào. Để đảm bảo hình ảnh chính thức, về nguyên tắc, khung hình sẽ tập trung vào người phát ngôn.
Tại buổi làm việc, các đại biểu Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Hạ viện Nhật Bản đã trao đổi nhiều thông tin, kinh nghiệm liên quan đến hoạt động phát thanh, truyền hình ở Tòa nhà Quốc hội nhằm tăng cường với công tác quản lý và lưu trữ tín hiệu phát thanh, truyền hình. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác này trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng cần nhận thức được vai trò của chất lượng đội ngũ nhân lực; đầu tư thêm nguồn kinh phí để hoàn thiện và nâng cao hệ thống phương tiện thiết bị.
Trưởng ban cố vấn JICA Giáo sư Tsuboi Yoshiharu cho biết, Nhật Bản sẽ hỗ trợ và hợp tác tối đa với Văn phòng Quốc hội Việt Nam để giúp Vụ Thông tin tăng cường năng lực và làm tốt công tác phát thanh truyền hình, cũng như công tác thông tin công chúng.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng phát biểu kết thúc Tọa đàm
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng đánh giá cao kinh nghiệm quản lý hệ thống hạ tầng trang thiết bị, công tác phối hợp với các cơ quan đơn vị hữu quan để phục vụ hoạt động phát thanh, truyền hình về Quốc hội trong Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản, cho rằng đây là những thông tin, kinh nghiệm rất quý mà Việt Nam có thể học hỏi. Đặc biệt, là những thông tin, kinh nghiệm về việc tăng cường tổ chức thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Hạ viện Nhật bản; các biện pháp lưu trữ, bảo đảm an ninh, an toàn mạng và thông tin; kinh nghiệm quản lý hệ thống hạ tầng trang thiết bị, công tác phối hợp với các cơ quan đơn vị hữu quan để phục vụ công tác phát thanh, truyền hình về Quốc hội…
Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian tới, Văn phòng Quốc hội Việt Nam sẽ chú trọng đến hoàn thiện và đảm bảo hạ tầng, sắp xếp lại cấu trúc thông tin của Cổng thông tin điện tử Quốc hội, cũng như đội ngũ nhân lực phục vụ công tác này; đồng thời, tăng cường hoạt động tham quan quảng bá hình ảnh Nhà Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng mong muốn Văn phòng Hạ viện Nhật Bản và Dự án JICA sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Văn phòng Quốc hội Việt Nam thực hiện những định hướng và hai bên đã thảo luận và thống nhất trong hoạt động phát triển Thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.