Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Ảnh: Đình Nam
Trong phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư của Bộ Nội vụ đã có 37 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi. Nội dung các chất vấn của đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề về tình hình thực hiện tinh giản biên chế đề án vị trí việc làm; công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức; việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo; giải pháp cải cách chế độ tiền lương phụ cấp; việc phân cấp quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; giải pháp bảo đảm chất lượng cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ; trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ vi phạm gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội còn quan tâm một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng như vấn đề cải cách bộ máy hành chính, việc thực hiện Nghị định 29 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, vấn đề hàm, cấp trong bộ máy nhà nước v.v...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, cũng như các phiên chất vấn trước, đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi thẳng thắn, ngắn gọn, bám sát thực tiễn và bám sát vấn đề chất vấn cũng như tham gia tranh luận sôi nổi. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội nhưng Bộ trưởng đã thể hiện nắm rất chắc chức năng, nhiệm vụ cũng như thấy rõ trách nhiệm của ngành và trách nhiệm của người đứng đầu về thực trạng công tác của nội vụ. Bộ trưởng đã trả lời ngắn gọn, thẳng thắn và đối với những vấn đề khó, vấn đề phức tạp, không né tránh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ Nội vụ
Tuy nhiên, việc xem xét, giải quyết của Bộ Nội vụ liên quan tới những vấn đề như tổ chức bộ máy cán bộ và gần đây những vụ việc sai phạm liên quan đến công tác tổ chức, công tác thi đua khen thưởng, công tác cán bộ đã gây nhiều bức xúc trong xã hội còn chậm, chưa triệt để. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại Quốc hội, chỉ đạo quyết kiệt để thực hiện các giải pháp đề ra, đồng thời tham mưa cho Chính phủ một số vấn đề cụ thể.
Thứ nhất, tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án tinh giản biên chế, gắn với sắp xếp bộ máy một cách hợp lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tiếp tục triển khai, thực hiện đề án, vị trí việc làm, sớm phê duyệt đề án vị trí việc làm đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, sớm hoàn thiện đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, đảm bảo yêu cầu lựa chọn cán bộ đủ yêu cầu, phẩm chất, năng lực để áp dụng thống nhất thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và khen thưởng cán bộ, công chức.
Thứ ba, tổ chức có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, công chức.
Thứ tư, sớm hoàn thiện đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, hoàn thành đề án tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2017.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý về việc tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm, nghiêm túc sai phạm đối với việc bổ nhiệm không đúng quy định.
Thứ sáu, đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ đề xuất việc xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sai phạm, đồng thời nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc xử lý cán bộ sai phạm trong thực thi công vụ ngay sau khi đã về hưu rồi mới phát hiện sai phạm.