Tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức

17/11/2016

Trong phiên chất vấn Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại Hội trường, nhiều đại biểu tập trung đề nghị Bộ Nội vụ có giải pháp cụ thể, xử lý nghiêm mọi vi phạm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, kể cả những vi phạm được phát hiện sau khi cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thanh Tùng- tỉnh Sóc Trăng và nhiều đại biểu khác chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề xử lý trách nhiệm công tác cán bộ trong một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Đại biểu nêu dẫn chứng như việc xử lý về mặt nhà nước đối với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Từ vụ việc cụ thể này, đại biểu chất vấn, theo Bộ trưởng có cần thiết phải nghiên cứu, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, xử lý nghiêm mọi vi phạm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ mà chưa đến mức xử lý về hình sự, kể cả những vi phạm được phát hiện sau khi cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc ra khỏi bộ máy nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương chât vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ                                          Ảnh: Đình Nam

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, hiện nay Ban Bí thư có quyết định xử lý là cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng đối với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giai đoạn năm 2011- 2016. Riêng về mặt nhà nước hiện nay theo chỉ đạo của Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội cùng các cơ quan chuyên môn xem xét, xử lý về mặt hành chính tương ứng, kịp thời theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Đây là vấn đề khó chưa có trong tiền lệ, do đó Bộ Nội vụ sẽ phối hợp cùng cơ quan chuyên môn để tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội phải có biện pháp để xử lý về mặt hành chính. Điều này chứng tỏ thể hiện quyết tâm chính trị đối với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu nếu có sai phạm chúng ta cũng phải có hình thức xử lý chứ không phải trường hợp nếu sai phạm rồi mà nghỉ hưu là "hạ cánh an toàn". Trên nguyên tắc đó để cảnh báo cho những đồng chí còn đang tại chức là khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng, làm đúng tất cả chứ không phải đợi nghỉ hưu coi như đã hết trách nhiệm đối với Đảng và Nhà nước.

Tất cả những văn bản khác có thể trong những thời điểm chưa sửa đổi Luật cán bộ, công chức, viên chức thì cũng sẽ có những văn bản quy định phù hợp với quy định để xử lý trước mắt trong những tình hình cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu. Bộ Nội vụ sẽ  phối hợp chặt chẽ, làm công tác tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội để xử lý tình hình kỷ luật đối với các đồng chí đã nghỉ hưu mà vi phạm chưa kịp xử lý về hình thức kỷ luật hành chính.

Chất vấn thêm về vấn đề đạo đức công vụ, công chức, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- tỉnh Ninh Thuận băn khoăn, liệu chúng ta có thể xây dựng được một nhà nước liêm chính với một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đánh người hành hung nhà báo; hành xử thiếu văn hóa, thậm chí côn đồ, xem thường pháp luật và đạo đức trong thời gian gần đây và giải pháp nào cho việc nâng cao ý thức đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, nếu xét thấy không đủ tiêu chuẩn và điều kiện công chức nên loại ngay ra khỏi công chức, không xứng đáng là một người công bộc phục vụ cho nhân dân nếu vi phạm pháp luật; cần có thái độ dứt khoát đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm, năng lực kém và đưa ra khỏi bộ máy nhà nước. Còn công chức vi phạm pháp luật cần xem xét và xử lý một cách nghiêm túc, không để tình trạng này tiếp tục xảy ra để ảnh hưởng chung đến lực lượng cán bộ, công chức.

Phát biểu liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, để tạo sự chuyển biến, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, đối với lĩnh vực nội vụ, Bộ Nội vụ cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và thực hiện công khai, minh bạch về tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng cán bộ, công chức; kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các sai phạm.

Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát để sửa đổi và bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu.

Liên quan đến nội dung này, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ quyết liệt chỉ đạo xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu. Chính phủ mong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân giám sát bộ máy chính quyền các cấp. Chính phủ cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân đồng hành, nói không với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; hình thành văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử lành mạnh, văn minh, không tạo cơ hội cho cán bộ, công chức tham nhũng, lãng phí.

 

Đặng Mai- Minh Hằng