Cần có đánh giá tác động và lộ trình thực hiện quy định chuyển từ phí thủy lợi sang giá dịch vụ thủy lợi

14/11/2016

Sáng 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật thủy lợi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu tán thành việc chuyển từ phí thủy lợi sang giá thủy lợi là cần thiết, phù hợp với cơ chế thị trường, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm. Một số ý kiến đánh giá đây là chính sách mới, ảnh hưởng lớn đến người dân vì vậy cần có đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội, quy định lộ trình thực hiện quy định này. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp để có quy định phù hợp; việc chuyển từ phí sang giá phải tính kỹ, tính đủ, rạch ròi trong việc chia sẻ lợi ích cộng đồng trong vùng có công trình và thiệt hại của người dân trong vùng khi xây dựng công trình; đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về trợ giá với đối tượng người nghèo để người dân có thể chi trả dịch vụ thủy lợi, bảo đảm công bằng trong sử dụng dịch vụ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân - Thái Bình phát biểu tại Hội trường                                   Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân - Thái Bình phân tích việc thay đổi này phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và nền kinh tế thị trường, làm thay đổi nhận thức của xã hội, người dân và chủ thể về công tác thủy lợi, góp phần sử dụng hiệu quả, hợp lý công trình thủy lợi, giúp cho người sử dụng nước từ công trình thủy lợi hiểu rõ bản chất dịch vụ này là hàng hóa, nâng cao ý thức bảo vệ các công trình thủy lợi cũng như sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do đây là quy định mới, chính sách mới, ảnh hưởng nhiều đến nhân dân, đại biểu Phạm Văn Tuân đề nghị cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ về tính khả thi của các chính sách, lộ trình áp dụng giá dịch vụ thủy lợi. Làm thế nào để chuyển biến tư tưởng về thủy lợi từ phục vụ sang dịch vụ. Đánh giá sự ủng hộ của nhân dân khi tính giá dịch vụ thủy lợi được thực hiện ra sao và cần có quy định phân loại khi áp dụng giá dịch vụ thủy lợi. Cùng với đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tranh thủ sự ủng hộ của người dân khi luật ban hành.

Theo đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình - Trà Vinh, quy định giá dịch vụ thủy lợi với sản xuất nông nghiệp sẽ mâu thuẫn với chủ trương, chính sách giảm, miễn thuế đất nông nghiệp. Vì vậy cần làm rõ trong dự thảo Luật các nội dung liên quan như với những công trình thủy lợi do người dân đóng góp kinh phí xây dựng thì họ có phải trả giá dịch vụ thủy lợi hay không, hay có được hoàn lại chi phí đã bỏ ra xây dựng công trình thủy lợi này hay không? Trách nhiệm cơ quan làm dịch vụ thủy lợi khi có hạn hán, lũ lụt như thế nào? Trách nhiệm bồi thường của cơ quan được tính như thế nào?

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn phát biểu tại Hội trường

Để chính sách tài chính về thủy lợi khả thi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn cho rằng báo cáo tác động cần bổ sung làm rõ các yếu tố kinh tế - xã hội nhất về hiện trạng các công trình thủy lợi hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư, duy tu bảo dưỡng, nhu cầu sử dụng hiện tại và dự báo nhu cầu sử dụng nước các loại nguồn thu nếu thay đổi về cơ chế giá và đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng sử dụng nước và nhất là đối tượng trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cần đánh giá về hệ thống quản lý vận hành thủy lợi liên quan đến tiền lương và chi phí quản lý để làm rõ hơn phương án quản lý.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị bổ sung quy định về miễn, giảm cho các đối tượng trong trường hợp các công trình được xã hội hóa, không do nhà nước xây dựng. Việc miễn, giảm nên tiếp cận theo hướng hạn điền, không hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo và cận nghèo, dễ gây những phức tạp trong quản lý, tăng chí phí hành chính và bất bình đẳng cho phát triển. Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan- Quảng Ngãi có đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ trong trường hợp thực hiện các dịch vụ thủy lợi, giảm thiểu tác hại thiên tai, kiểm soát lũ, tiêu thoát nước chống úng ngập, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân; tán thành với quy định về thực hiện trợ giá đối với dịch vụ thủy lợi phục vụ mục tiêu công ích, Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân trong trường hợp phòng, chống thiên tai.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương – Tp.Cần Thơ phát biểu tại Hội trường

Trong bối cảnh chi phí trong sản xuất nông nghiệp rất cao, lợi nhuận thấp và biến động, cùng với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương – Tp.Cần Thơ bày tỏ băn khoăn về tác động của việc chuyển đổi thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi có thể tạo thêm khó khăn cho nông dân, ảnh hưởng đến cộng đồng, người sản xuất nông nghiệp. Nhằm tránh các khó khăn xảy ra tức thời gây khó khăn cho người sản xuất, đại biểu đề nghị dự luật cần quy định rõ về chủ thể và các loại công trình nguồn gốc, các loại công trình được thu tiền trong dự án luật để làm cơ sở cho Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương quy định chi tiết về khung giá, lộ trình cùng các chính sách hỗ trợ hợp lý, đảm bảo tính khả thi và không gây các tác động lớn và gây sốc đến hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tránh phát sinh việc thu phí dịch vụ tràn lan gây tác động xấu trong xã hội.

Bên cạnh đó, quy định kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác dịch vụ, bảo vệ hệ thống thủy lợi, thủy lợi nội đồng thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hưởng lợi và các thành phần kinh tế khác có thể là điểm rất khó cho người sản xuất nông nghiệp, sẽ làm tăng chi phí dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp và ngày càng thấp hơn. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định hợp lý, xác định phần nào nhà nước cần đầu tư, phần nào do người hưởng lợi phải chi trả để đảm bảo tính khả thi.

Bảo Yến