Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020

08/11/2016

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, chiều 8/11, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 với 407/420 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 82,39% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 và nghe Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020.

Cơ bản nhất trí với các nội dung của Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình và dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đã có 407/420 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết, bằng 82,39% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu không tán thành là 8, bằng 1,62%. Số đại biểu không biểu quyết là 5, bằng 1,01%.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Quốc hội thống nhất với quan điểm, mục tiêu và các trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 như Chính phủ.

Nghị quyết của Quốc hội đề ra mục tiêu đến năm 2020 phải đạt được 05 mục tiêu cơ bản. Cụ thể: Một là, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016- 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN–4). Tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31- 34% tổng đầu tư xã hội.

Hai là, hằng năm có 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trên 5,5%, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020. Đến năm 2020 tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt khoảng 25%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.

Ba là, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%. Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4.

Bốn là, đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%.Giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh sovới mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Nâng cao quy mô và hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Năm là, thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp;15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Quốc hội yêu cầu cần tập trung thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. HÌnh thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; căn cứ Nghị quyết của Quốc hội xây dựng Chương trình hành động, hoàn thành trước tháng 4/2017. Hàng năm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và đưa vào đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, bảo đảm nguồn ngân sách được bố trí, cân đối trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016- 2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Chỉ đạo, đề xuất xây dựng các luật mới; sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành để phục vụ quá trình cơ cấu lạinền kinh tế và báo cáo chương trình bổ sung, sửa đổi luật tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. Sớm xây dựng, thông qua các đề án quan trọng chậm nhất là quý IV/2017 và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2018. Đổi mới công tác hành cơ cấu lại nền kinh tế, có cơ chế theo dõi và đánh giá thường xuyên nhiệm vụ cơ cấu lạinền kinh tế của các bộ, ngành và địa phương;nâng cao năng lực, kỷ luật trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình cơ cấu lạinền kinh tế, khu vực kinh tế nhà nước chủ động thực hiện các nhiệm vụ cơ cấulạitheo đúng yêu cầu đề ra.

Đồng thời giao, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Bảo Yến