Trình bày báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn; Ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn, chính sách khuyến khích đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu nhất trí với quan điểm trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh: đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào NN, NT
Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình- TP Hà Nội đề nghị đẩy nhanh xã hội hóa Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đại biểu phân tích, Chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò vô cùng quan trọng vì mục tiêu của chúng ta không chỉ là thay đổi bộ mặt, hạ tầng xã hội của vùng nông thôn mới mà xây dựng nông thôn mới hiện đại với 70% dân số theo tinh thần nghị quyết trung ương 26 khóa X nông thôn mới của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Như thế, mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân phải đưa lên hàng đầu, không phải là con đường mới, nhà văn hóa mới, chợ mới hay bưu điện mới, internet mới như một số đại biểu đã nêu.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai- tỉnh Tuyên Quang cho rằng, các địa phương cần thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Bố trí hợp lý các nguồn lực của nhà nước vào xã hội hóa xây dựng nông thôn mới theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn, huy động nội lực tại địa phương và sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So- tỉnh Bắc Ninh đề nghị sớm triển khai giải pháp xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, chọn tạo nhập khẩu giống vật nuôi phục vụ trong nước, trên cơ sở đưa ra tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật bắt buộc tổ chức, cá nhân tham gia phải thực hiện. Để thực hiện thành công cơ cấu nông nghiệp, vai trò của nhà nước là vô cùng quan trọng. Có rất nhiều cách để nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân môi trường kinh doanh lành mạnh, trong đó xây dựng chính sách cơ chế hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp là một trong những cách làm tốt nhất để phát triển nông nghiệp, nông thôn.
ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh: hiện nay đang có rất nhiều yếu tố cản trở doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn
Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức- tỉnh Cao Bằng nêu rõ, kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy chỉ khoảng 1% số doanh nghiệp nước ngoài và 3% số doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên tổng số doanh nghiệp, đây là một con số quá ít. Họ không thể mặn mà với những người nông dân khi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng không đảm bảo, tính tụ ruộng đất khó khăn và chi phí sản xuất cao. Trong khi đó mô hình sản xuất hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã năm 2012 có rất nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với điều kiện ở nông thôn thì vẫn không thể nào phát triển được. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy mô hình hợp tác xã là mô hình sản xuất của những người yếu thế, yếu về vốn, yếu về khoa học, kỹ thuật và kinh nghiệm, họ cùng nhau liên kết lại để giúp đỡ nhau vươn lên ở các nước phát triển để khu vực kinh tế hợp tác xã góp phần không nhỏ cho nền kinh tế của mỗi nước và có những hợp tác xã vươn ra thị trường thế giới.
Để xây dựng và tạo lập mô hình hợp tác xã, đại biểu đề nghị Chính phủ giữ vai trò là bà đỡ cho việc phát triển hợp tác xã cả về xây dựng mô hình điểm, hỗ trợ về vốn, khoa học và kỹ thuật. Nhà nước không chỉ khuyến khích, còn phải là nhà kiến tạo mô hình sản xuất hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới phát triển. Đồng thời sát sao trong công tác chỉ đạo, quyết tâm xây dựng được mô hình hợp tác xã kiểu mới, chất lượng và hiệu quả. Chỉ có như vậy mới đảm bảo tính bền vững của nông thôn mới.
ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn: Nhà nước phải có cơ chế, chính sách chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động
Đại biểu Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn- tỉnh Long An cho rằng, muốn nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, ngoài việc đầu tư để tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động tại địa phương theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ nông, công nghiệp với phương châm ly nông bất ly hương. Do đó, Nhà nước phải có chính sách ưu đãi cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn nhằm cung cấp dịch vụ tiêu thụ chế biến sản phẩm nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân tại địa bàn nông thôn.
Mặc dù trước đây nhà nước đã có nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp, song chưa thu hút được nhiều, chưa tạo được đòn bẩy thật sự để chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương, chưa tiêu thụ và chế biến được nhiều nông sản. Xây dựng nông thôn mới không chỉ lo xây dựng những con đường, trụ sở mà phải làm những việc nhỏ nhất, thiết thực nhất trong từng hộ gia đình theo mô hình vườn mẫu xanh, sạch, đẹp; Tư vấn cho hộ gia đình trồng cây gì cho năng suất cao, dễ bán và mang lại thu nhập cao và nên chọn mô hình mẫu để đầu tư khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh- tỉnh Bình Phước trăn trở, hiện nay đang có rất nhiều yếu tố cản trở doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng như thiết lập các mối liên kết thị trường bền vững với nông dân, đó là các cản trở về đất đai, về thủ tục tiếp cận, thiếu các khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ phù hợp, thay vì chỉ tập trung lo xây dựng mới nhà văn hóa di rời và xây dựng chợ mới, làm các cổng trào thôn, xã hoành tráng. Chương trình nông thôn mới cần điều chỉnh mục tiêu và nội dung, tập trung cao độ cho việc giải quyết các nút thắt thể chế nêu trên.
ĐBQH Đặng Hoài Tân: Chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hôi Đặng Hoài Tân- Bình Định đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng, tạo cơ chế về chính sách về đất đai, tín dụng, thuế và thương mại để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để các hợp tác xã nhất là hợp tác xã nông nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. Bố trí gói tín dụng có lãi suất vay ưu đãi để các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vay phát triển sản xuất trong cơ chế cạnh tranh về thị phần tiêu thụ hàng hóa khốc liệt như hiện nay. Ngoài chất lượng, mẫu mã sản phẩm thì thương hiệu sản phẩm cũng hết sức quan trọng nhưng hiện tại thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm còn chậm, đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp nói riêng. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận trong liên kết của 4 nhà thời gian qua đạt được nhiều kết quả.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực- tỉnh Bắc Giang cho rằng, Chính phủ cần tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế chính sách hiện hành về tích tụ ruộng đất cũng như hỗ trợ để phát triển hợp tác và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Chính phủ làm được như vậy nhân dân sẽ phấn khởi, tin tưởng và sẽ tạo được động lực mới trong xây dựng nông thôn giai đoạn 2016 - 2020.