Nhiều công trình, dự án được xác định là cấp bách, trọng điểm vẫn chưa đưa vào kế hoạch

01/11/2016

Sáng 1/11, tiếp tục kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020.

Tình trạng nợ công trong xây dựng cơ bản còn xảy ra nhiều, kéo dài, chưa xử lý triệt để

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé- Kiên Giang phát biểu tại Hội trường

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về đánh giá kết quả đầu tư công giai đoạn 2011- 2015. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé- Kiên Giang cho rằng, việc thực hiện đầu tư công giai đoạn này cơ bản đã quán triệt được tinh thần nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bám sát các mục tiêu định hướng phát triển kinh tế, xã hội, từ đó đã góp phần thực hiện đột phá về xây dựng hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư công giai đoạn này còn nhiều hạn chế mà báo cáo Chính phủ đã thừa nhận, đó là đầu tư còn dàn trải, phân tán, một số dự án hiệu quả còn thấp. Đây là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội của khóa trước đã quan tâm kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để. Nhiều công trình, dự án kéo dài thời gian thi công đã gây thất thoát nguồn tài chính quốc gia. Đặc biệt, tình trạng nợ công trong xây dựng cơ bản còn xảy ra nhiều, kéo dài, chưa xử lý triệt để.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn- Hà Tĩnh cho rằng, việc thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011- 2015 còn tỏ ra lúng túng, bị động và chưa đồng bộ trong ban hành, hướng dẫn thực hiện, khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Tình hình hiệu quả đầu tư với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu kinh tế như nông nghiệp, các ngành gắn với phát triển kinh tế vùng và liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa rõ nét. Tính ưu tiên trong đầu tư vẫn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả chưa cao. Đã có các mô hình đầu tư mang tính xã hội hóa BOT, BTO, BT hay loại hình công tư hợp đồng PPP để mở rộng đầu tư, kết nối hạ tầng từ các lĩnh vực hạ tầng sang dịch vụ công như giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, nhưng cũng chưa được tổng kết một cách đầy đủ để đánh giá tạo cơ chế động lực mạnh mẽ hơn cho đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.

Nhiều công trình, dự án được xác định là cấp bách, trọng điểm vẫn chưa đưa vào kế hoạch

Trên cơ sở khắc phục việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu tư công giai đoạn vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 theo tinh thần đầu tư tập trung, tránh dàn trải, láng phí. Kế hoạch đầu tư được công khai, minh bạch. Tiêu chí phân bổ đầu tư là ưu tiên tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm cấp bách. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé- Kiên Giang, lần này Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ giúp cho các cơ quan, các địa phương tổ chức thực hiện sẽ chủ động hơn, hạn chế cơ chế xin- cho và không chồng chéo giữa các nguồn lực đầu tư cho xã hội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn bản kèm theo Báo cáo của Chính phủ mà cụ thể là các phụ lục dự kiến phân bổ các công trình, dự án đầu tư trong 5 năm tới đối với đầu tư công, đại biểu nhận thấy việc phân bổ theo kế hoạch này chưa bám sát quan điểm tiêu chí phân bổ đầu tư ngay từ đầu đã nêu trong báo cáo. Còn nhiều công trình, dự án được xác định là công trình cấp bách, trọng điểm vẫn chưa đưa vào kế hoạch này.

Đại biểu dẫn chứng, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Dự báo đến 2050 có thể 2/3 diện tích của đồng bằng sông Cửu Long ngập sâu trong nước biển. Song trong 5 năm tới, kế hoạch này chỉ đầu tư một số công trình, dự án xây dựng cống, đập ngăn mặn, trong khi đồng bằng sông Cửu Long kênh, đập chằng chịt. Các dự án ở vùng này, nếu không tập trung đầu tư đồng bộ sẽ khó đem lại hiệu quả. Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đã hạn chế được đón lũ về để rửa phèn, tạo độ màu mỡ cho đất, nay bị mặn xâm nhập, khó có thể giữ được sự trù phú của một vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Tống Thanh Bình- Lai Châu phát biểu tại Hội trường

Cho ý kiến việc phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016- 2020 trong thời điểm khó khăn chung của cả nước, Đại biểu Tống Thanh Bình- Lai Châu cho biết, Chính phủ dự kiến phân bổ kinh phí cho các tỉnh vùng trung du và miền núi với nguồn vốn dự kiến phân bổ 13,6% tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hiện phát triển kinh tế- xã hội.

Đối với nguồn vốn chương trình, mục tiêu từ ngân sách Trung ương do khó khăn chung của cả nước về khả năng cân đối ngân sách dẫn đến số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các tỉnh, đặc biệt các tỉnh nghèo thuộc đối tượng nguồn ngân sách trung ương bổ sung cân đối hàng năm trên 80% rất thấp so với phương án dự kiến theo Thông báo số 916 ngày 05/02/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thông báo số kiểm tra kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020. Trong đó, đã thể hiện cơ bản nhu cầu vốn để đảm bảo thực hiện trả nợ xây dựng cơ bản, hoàn trả tạm ứng bố trí cho các dự án hoàn thành chuyển tiếp và khởi công mới. Tuy nhiên, với phương án cân đối phân bổ vốn như phương án dự kiến các tỉnh sẽ khó có khả năng điều hành thực hiện đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển.

Đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, ngành và địa phương, bảo đảm tăng thêm vốn cho các địa phương thực hiện các chương trình, mục tiêu, đảm bảo đúng theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ đã đề ra.

Thanh Tú- Vân Ngọc