Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Trong quá trình thảo luận, đã có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Nguyên tắc đấu giá tài sản; các hành vi bị nghiêm cấm;
- Tiêu chuẩn đấu giá viên, đào tạo nghề đấu giá và người được miễn đào tạo nghề đấu giá, tập sự hành nghề đấu giá; những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; hình thức hành nghề, quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên; về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên; quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản;
- Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; việc thông báo công khai việc đấu giá tài sản; mức tối thiểu của khoản tiền đặt trước; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá; đấu giá theo thủ tục rút gọn; việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo thủ tục rút gọn;
- Xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại;
- Trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị không quy định về Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; đề nghị bổ sung quy định đặc thù cho hoạt động bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự;…
Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu có liên quan đến dự án Luật đấu giá tài sản.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Trong quá trình thảo luận, đã có 21 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
- Các hành vi bị nghiêm cấm;
- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đăng ký hoạt động tín ngưỡng; người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; điều kiện được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo;
- Tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; tên gọi của tổ chức, người đại diện, người lãnh đạo tổ chức;
- Điều kiện phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
- Quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng; quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo; giải quyết tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khi giải thể;
- Hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài; sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
- Xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo;...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu có liên quan đến dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ ba, ngày 25-10-2016, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội.