Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho rằng, phân bổ Ngân sách Trung ương phải bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn Ngân sách nhà nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 1023/2015/UBTVQH14 (đối với chi đầu tư) và Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 (đối với chi thường xuyên); Bảo đảm việc hỗ trợ thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội. Tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hàng năm của Ngân sách Trung ương cho Ngân sách địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư Xây dựng cơ bản của Ngân sách Trung ương, theo đúng quy định tại Điều 40 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Bảo đảm việc phân bổ hết số vốn được giao đúng thời hạn, kể cả vốn chương trình Mục tiêu Quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, trừ khoản dự phòng ngân sách.
Rà soát, đánh giá đầy đủ số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản
Về phân bổ vốn đầu tư, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, qua giám sát tại các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo của Chính phủ, nợ đọng Xây dựng cơ bản qua các năm tuy đã giảm do được Chính phủ ưu tiên phân bổ vốn thanh toán, nhưng thực tế số nợ đọng vẫn còn cao. Điều này cho thấy công tác quản lý đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ, giữa phê duyệt dự án và bố trí vốn có sự chênh lệch cao. Đa số ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát, phân loại nợ, đánh giá đầy đủ số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản; xây dựng phương án thanh toán nợ cụ thể, kiên quyết bố trí vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản theo đúng chủ trương và kế hoạch đề ra, không bố trí vốn trả nợ phát sinh sau ngày 31/12/2014 theo quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm không có sự chênh lệch về thanh toán nợ xây dựng cơ bản giữa các địa phương. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cố tình chây ỳ không giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, làm phát sinh nợ đọng sau 31/12/2014.
Không tiếp tục bố trí vốn cho các dự án không hiệu quả
Về bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, các dự án chuyển tiếp cần được rà soát, đánh giá lại hiệu quả đầu tư để có phương án phân loại rõ ràng. Theo đó, trong bối cảnh nợ công tăng cao, nguồn vốn hạn hẹp, đề nghị Chính phủ không tiếp tục bố trí vốn cho các dự án không hiệu quả, đồng thời cần kiên quyết giãn, đình hoãn và cắt giảm vốn đầu tư để dành vốn bố trí cho các dự án có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, quá trình đình hoãn phải phù hợp với điểm dừng kỹ thuật, tránh lãng phí vốn đã đầu tư.
Về các dự án bố trí bằng nguồn vốn nước ngoài (ODA), trong các năm qua, nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và lở đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Miền Trung và Tây Nguyên, nhu cầu nguồn lực để đáp ứng cho chương trình ứng phó biến đổi khí hậu là rất lớn. Vì vậy, Chính phủ cần có kế hoạch bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng được yêu cầu thực tế, không dàn trải, không bố trí cho những dự án chưa thật cấp bách, chưa nằm trong quy hoạch của vùng biến đổi khí hậu.
Tăng thêm nguồn lực Ngân sách nhà nước cho chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
Chính phủ dự kiến bố trí năm 2017 là 6.000 tỷ đồng, trước mắt phân bổ 5.400 tỷ đồng (chưa bao gồm 10% dự phòng). Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn cần được sự quan tâm của các ngành, các cấp với mục tiêu là tạo ra những bước đột phá mới trong nông nghiệp, nông thôn. Qua giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy nợ xây dựng cơ bản của chương trình nông thôn mới lên tới khoảng 15.000 tỷ đồng. Vì vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí tăng thêm nguồn lực Ngân sách nhà nước cho chương trình này, giúp các địa phương còn nhiều khó khăn ở khu vực Miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng Nam bộ, thanh toán một phần nợ xây dựng cơ bản của chương trình, không để khó khăn kéo dài cho các doanh nghiệp đã tham gia đầu tư và xây dựng các công trình, dự án.
Về phát hành vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017, Ủy ban Tài chính ngân sách đồng ý với Chính phủ về việc phát hành 50.000 tỷ đồng vốn Trái phiếu chính phủ cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ lưu ý rà soát danh mục, bảo đảm các tiêu chí về tính cấp bách, sự cần thiết, đảm bảo thủ tục đầu tư.
Về phân bổ chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 cần triệt để tiết kiệm, bố trí, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chính sách đối với con người, bảo đảm đúng các tiêu chí, định mức phân bổ đã được quyết định.