* Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII tiếp tục khẳng định vai trò, năng lực, trí tuệ và bản lĩnh của QH và các cơ quan của QH
* Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII dự kiến khai mạc vào ngày 20.5.2010
* Tình trạng chậm ban hành và nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH - vẫn chưa được khắc phục triệt để
Sáng 15.12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Hai sáu.
Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Sáu, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII.
Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH, các cơ quan hữu quan và dư luận cử tri do Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn trình bày. Báo cáo chỉ rõ: mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng với tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm sau hơn 30 ngày làm việc, QH đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tạo được dấu ấn tốt; đồng thời đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động của QH, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri, được cử tri và nhân dân đánh giá cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với những đánh giá nêu trên và cho rằng: một trong những điểm nhấn của Kỳ họp, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri đó là QH tiếp tục có những cải tiến mạnh mẽ trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng khoa học, tập trung và thực chất hơn. Nội dung chất vấn thực sự có sức cuốn hút, vừa cụ thể vừa bao quát, đề cập đến những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Hai ngày rưỡi chất vấn, QH đã làm rõ thêm nhiều vấn đề lớn ở các góc độ khác nhau, giúp cử tri hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn bản chất và nguyên nhân của vấn đề; thấy rõ hơn trách nhiệm của người được chất vấn cũng như trách nhiệm của người chất vấn trên cương vị là đại biểu của dân. Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đổi mới chất vấn theo nhóm vấn đề, số lượng các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn ít hơn nhưng nhiều thành viên Chính phủ tham gia giải trình nhiều hơn - đã tạo điều kiện thuận lợi để chất vấn đi vào chiều sâu, thực chất nên Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cử tri và nhân dân cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: sức hấp dẫn của Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chính là văn hóa đối thoại của các chính khách lập pháp và chính khách hành pháp. Theo các Ủy viên UBTVQH thì, cử tri cũng đặc biệt đánh giá cao các Phiên thảo luận và các quyết đáp của QH về KT-XH. Các ĐBQH đã phân tích sâu, thảo luận sôi nổi, đánh giá một cách toàn diện cả kết quả và hạn chế, nguyên nhân chủ quan và khách quan, yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, thể hiện quyết tâm của QH cùng với Chính phủ và cả hệ thống chính trị vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao và bền vững. Những quyết định của QH về KT-XH cũng đã thể hiện rất rõ vai trò, năng lực, trí tuệ và phương pháp làm việc dân chủ của QH và các cơ quan chuyên môn của QH. Phát biểu tại Phiên họp, Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao những đổi mới trong công tác điều hành Kỳ họp của Đoàn Chủ tịch Kỳ họp đã tạo nên không khí sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ của Kỳ họp QH. Đặc biệt, việc UBTVQH lần đầu tiên báo cáo QH xem xét, đánh giá những kết quả và hạn chế trong công tác của UBTVQH cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức làm việc của UBTVQH; đồng thời thể hiện tinh thần thực sự cầu thị và dân chủ của cơ quan thường trực của QH.
Về những hạn chế cần rút kinh nghiệm trong công tác phục vụ và tổ chức Kỳ họp của QH, đa số Ủy viên UBTVQH đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan khi không bảo đảm tiến độ, chất lượng các Tờ trình, dự án, đề án; cương quyết đưa ra khỏi chương trình những nội dung chưa được chuẩn bị kỹ, không bảo đảm chất lượng và thiếu các tài liệu đính kèm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, theo Tờ trình của VPQH, Kỳ họp thứ Bảy dự kiến sẽ dành 19 ngày cho công tác lập pháp với 12 dự án Luật trình QH xem xét, thông qua và 12 dự án Luật trình QH cho ý kiến lần đầu. Các Ủy viên UBTVQH yêu cầu: đối với các dự án Luật trình QH cho ý kiến lần đầu, các Ủy ban cần làm việc với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan trình làm rõ mục đích, nội dung và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật làm cơ sở để UBTVQH xem xét, quyết định có đưa vào Chương trình lập pháp của Kỳ họp thứ Bảy.
Buổi chiều, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Uãy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/ 2005/QH11 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Kết quả giám sát cho thấy: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng để bảo đảm việc ban hành văn bản quy định chi tiết đúng thời hạn theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đã có chủ trương kiên quyết không để tái diễn tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết. Sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương này, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn đã giảm rõ rệt từ 60% số văn bản chưa được ban hành vào thời điểm giữa năm 2006 xuống còn 10% vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, tình trạng chậm ban hành và nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tính đến 15.6.2009, vẫn còn 28 văn bản quy định chi tiết 11 luật, 2 pháp lệnh có hiệu lực thi hành trước ngày 1.7.2009 vẫn chưa được ban hành; 21 văn bản quy định chi tiết 4 luật, 2 pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1.7.2009 chưa được ban hành. Trong số 704 nội dung giao Chính phủ và các Bộ quy định chi tiết của 63 luật, 18 pháp lệnh, 1 nghị quyết của QH đã có hiệu lực thi hành trước ngày 1.7.2009 thì hiện mới quy định được 437 nội dung.
Các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao báo cáo Kết quả giám sát của Ủy ban Pháp luật và tán thành kiến nghị của Ủy ban Pháp luật về việc Chính phủ, các cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có biện pháp nâng cao nhận thức trong cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Một số ý kiến nhấn mạnh: Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần xác định công tác lập pháp là công tác hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và là một trong những chức năng quan trọng, cơ bản của bộ máy nhà nước; phải coi đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật là một yêu cầu quan trọng cho phát triển KT-XH của đất nước. Đa số Ủy viên UBTVQH cũng tán thành đề xuất của Ủy ban Pháp luật về việc đổi mới cơ chế cấp phát kinh phí xây dựng pháp luật; coi việc chi cho xây dựng pháp luật là chi cho hoạt động hoạch định chính sách, được dự toán hàng năm vào mục chi thường xuyên của các cơ quan nhà nước và được QH quyết định theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Các Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị: để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và nghị quyết của QH cần nâng cao chất lượng các Ban soạn thảo, khắc phục tình trạng phó mặc cho cơ quan chủ trì soạn thảo và phải có cơ chế đề cao trách nhiệm pháp lý của từng thành viên Ban soạn thảo; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp. Các cơ quan của QH cũng sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra để chỉnh lý, hoàn thiện văn bản trước khi trình QH, UBTVQH xem xét, thông qua.