Nỗ lực giải trình của Bộ trưởng Công thương không đạt hiệu quả

19/11/2009

Trong suốt 180 phút đăng đàn, với nỗ lực mang đến nhiều thông tin hơn cho đại biểu, cử tri, Bộ trưởng Công thương liên tục bị “thổi còi” do không đi thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm

(VOV) - Là thành viên thứ 3 của Chính phủ tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, sáng nay (18/11), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có bản báo cáo chi tiết giải đáp những kiến nghị, bức xúc của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, đồng thời có báo cáo về những việc đã làm được thời gian qua.

 

Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận được 32 chất vấn tập trung 4 nhóm vấn đề: trách nhiệm quản lý và phát triển thị trường hàng hóa nội địa, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam, hạn chế việc nhập siêu các mặt hàng mà trong nước sản xuất được, các biện pháp thực hiện có hiệu quả chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Công tác xúc tiến thương mại, điều hành xuất khẩu một số mặt hàng nông sản quan trọng, nhất là gạo và thủy sản. Trách nhiệm quản lý của Bộ trước tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và cho biết các giải pháp khắc phục. Công tác quy hoạch phát triển thủy điện và việc thực hiện quy hoạch, trong đó có việc xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, để hạn chế tác động tiêu cực làm thay đổi hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, gây lũ lụt.

 

Sẽ có quỹ hỗ trợ đảm bảo thu mua lúa của nông dân

 

Là đại biểu đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mặc dù đã nhận được văn bản trả lời chất vấn của Bộ Công thương, đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) vẫn tiếp tục chất vấn trên hội trường về quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo của năm 2008. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, yếu tố khách quan của quyết định này là do đợt rét đậm rét hại ở miền Bắc kéo dài, không lường trước được khả năng mất mùa, nên để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Chính phủ đã điều hành ngừng ký thêm các đơn hàng xuất khẩu mới cho đến khi chắc chắn về tình hình thu hoạch lúa gạo, mới quay trở lại bình thường. Ngoài nguyên nhân này, Bộ Công thương không có bất kỳ một thông tin chính thức nào về việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam vì động cơ nào đó có thể đã dìm giá thu mua lúa gạo của nông dân.

 

Cũng liên quan đến vấn đề thu mua lúa gạo, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: trước khi công bố giá sàn thu mua lúa gạo Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính đã dự báo được tình huống giá thu mua thấp hơn nhiều so với giá sàn công bố hay không? Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận, câu chuyện về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đối với Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là vấn đề hết sức bức xúc và cũng là vấn đề Đảng và Nhà nước quan tâm và luôn luôn tìm mọi giải pháp để thúc đẩy sản xuất và đảm bảo lợi ích của người nông dân. Đây là một chủ trương nhất quán. Căn cứ vào tình hình thực tế của năm 2007 và 2008, công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 215, giao cho Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức thiết lập hệ thống thông tin cập nhật định kỳ về giá thành sản xuất lúa, giá bán lúa của nông dân đặc biệt tại những vùng có sản lượng lúa hàng hóa lớn. Đây là cơ sở để xây dựng giá thu mua gạo phục vụ xuất khẩu, phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, nhằm đảm bảo lợi ích cho người nông dân theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là ít nhất nông dân phải có lãi khoảng 30%.

 

Qua báo cáo của UBND các tỉnh, nhất là những vùng trọng điểm lúa và Sở Tài chính các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tiến hành tháng 8/2009, ngành tài chính đã công bố giá thành sản xuất lúa gạo vụ Hè Thu năm 2009 với mức giá chung xê dịch từ 2.012 - 3.190 đồng/1kg lúa. Đây là cơ sở để xác định mức giá thu mua cho người sản xuất.

 

Để đảm bảo nguyên tắc, người nông dân có lãi khoảng 30%, giá thu mua phải đảm bảo không dưới 3.800 đồng/kg lúa vụ Hè Thu năm 2009. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 2 Tổng Công ty Lương thực đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thu mua hết lúa gạo trong nông dân. Đợt 1 đã mua được 400.000 tấn, đợt 2 mua được 406.526 tấn, đạt 83% kế hoạch.

 

Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận việc quy định giá sàn thu mua lúa không dưới 3.800 đồng cho bà con nông dân cũng gặp một số khó khăn, trong đó có việc một số thương nhân không thực sự tích cực thu mua lúa gạo khi giá xuất khẩu không tốt; thứ hai là thực trạng việc thu mua, chế biến lúa phải qua trung gian là thương lái cho nên việc đảm bảo lợi ích cho người sản xuất là tương đối khó khăn; thứ ba là mức giá bình quân giữa các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có sự chênh lệch tương đối lớn. Do vậy việc đưa ra mức giá 3.800 đồng là chưa phù hợp với tất cả các vùng miền. Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng việc này phải được điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới.

 

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có quyết định giao cho Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách, cơ chế nhằm thực hiện nhất quán chủ trương của nhà nước để đảm bảo cho người sản xuất lúa có lãi ít nhất 30% một cách ổn định và lâu dài. Địa phương nào cũng phải đạt mức này chứ không phải là bình quân. Hiện Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan xây dựng Đề án Chính sách bình ổn giá thị trường lúa gạo Việt Nam trình Chính phủ thông qua để thực hiện từ năm 2010.

 

Để làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, thực hiện chủ trương của Nhà nước thu mua theo giá sàn đảm bảo tối thiểu 30% lãi cho người dân, đã xây dựng 5 phương án triển khai thực hiện chủ trương này theo hướng kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để tiếp tục mua sắm, dự trữ vật tư, máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất; tiếp tục hỗ trợ giống lúa cho bà con; tiếp tục kiến nghị có chính sách chính thức hỗ trợ lãi suất cho các tổng công ty nhà nước mua lúa dự trữ trong thời vụ, xây dựng kho dự trữ; thảo luận với tổng công ty, doanh nghiệp xuất khẩu gạo để hình thành quỹ hỗ trợ đảm bảo thu mua lúa của nông dân theo giá sàn mà không quay về cơ chế bao cấp, bù lỗ cho doanh nghiệp. Mức giá 3.800 đồng không phải do ngành Tài chính công bố, mà do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố.

 

Thành lập công ty con của Vinafood 2 ở nước ngoài là đúng luật

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Liêm về việc thành lập công ty con của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tại Singapore, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ, Vinafood 2 chịu sự quản lý ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp Việt Nam, chúng ta không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ở những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, qua đó giúp mở rộng thị trường, đẩy nhanh hơn hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, Bộ Công thương cho rằng, việc Vinafood 2 thành lập công ty con ở nước ngoài, không chỉ ở Singapore mà có thể ở nhiều nước khác là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cũng theo pháp luật Việt Nam, việc Vinafood 2 thành lập công ty con ở nước ngoài còn phải có ý kiến của ít nhất 2 cơ quan quản lý ngành và quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài là Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch-Đầu tư.

 

Nhằm làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu Lê Quang Liêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, Công ty con trực thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam tại Singapore là công ty thuộc sở hữu Nhà nước chứ không phải như dư luận cho rằng một số cá nhân làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước có liên hệ với công ty thuộc sở hữu cá nhân ở bên ngoài để “móc ngoặc”. Kết quả hoạt động, lãi của công ty này là thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, vừa qua cũng có thông tin về một hợp đồng của công ty này bán cho nước ngoài với giá thấp hơn so với giá mà Hiệp hội đưa ra. Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam đã có giải trình trước công luận. Theo giải trình đó, đúng là có bán thấp hơn nhưng trong phạm vi cho phép đã được thường trực Hiệp hội Lương thực thống nhất. Việc này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa kiểm tra. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ sẽ cùng với Bộ Công thương sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn hoạt động của công ty này cũng như việc mà dư luận vừa qua nêu ra. Khi có kết quả sẽ báo cáo đại biểu và Quốc hội.

 

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về tình trạng phân bón giả lưu hành trong một thời gian dài không được xử lý, đại biểu Lê Thanh Liêm bức xúc, vì sao những hành động phi pháp, thiếu đạo đức của những đối tượng xấu này được Bộ đối xử khá ôn hòa, dễ dãi chấp nhận, kéo dài sự hoang mang lo sợ, sự thiệt hại của bà con nông dân mỗi khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả kém chất lượng.

 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận sự chậm trễ và xin nhận trách nhiệm. Tuy nhiên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích lý do của sự chậm trễ này là do để đưa ra được quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phải xây dựng được tiêu chuẩn kỹ thuật về phân bón, liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, phải có sự phối hợp, nghiên cứu rồi mới tổng kết được. Khi đó mới có thể xây dựng được văn bản xử lý sai phạm. Bộ cũng hứa sẽ sớm thúc đẩy hoàn thành để đưa ra trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về xử phạt, quyết không nương nhẹ với các hành vi sai phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả.

 

Cung ứng điện không khó khăn như mùa khô năm 2009

 

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, đại biểu Vũ Quang Hải là người thứ hai chất vấn Bộ trưởng Công thương về mối quan tâm của cử tri Hưng Yên đối với Đề án nghiên cứu khai thác mỏ than sông Hồng, có một phần ở địa bàn tỉnh. Đại biểu đặt vấn đề, với một chủ trương có liên quan đời sống nhân dân, các công trình dân sinh, văn hóa xã hội như vậy tại sao người dân lại thiếu thông tin, tại sao không lập một cơ quan Nhà nước để giải quyết những vấn đề hệ trọng trên.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, qua nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy mỏ than sông Hồng có trữ lượng rất lớn, khoảng 210 tỷ tấn, gấp khoảng 20 lần trữ lượng than hiện nay ở bể than Quảng Ninh. Tuy nhiên, chất lượng than không cao, phù hợp cho sản xuất điện, xi măng. Mỏ than sông Hồng tập trung chủ yếu ở địa bàn 5 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương và thành phố Hải Phòng. Địa bàn tỉnh Hưng Yên chiếm 8,5% tổng trữ lượng bể than sông Hồng, lớn nhất là Thái Bình chiếm gần 90%. Đề án này không chỉ được giao cho Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam, mà Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn và các địa phương có liên quan xem xét, thẩm định đề án này, trên cơ sở đó nếu thấy khả thi có thể đề xuất Chính phủ làm thí điểm. Chính phủ chưa có một quyết định nào về khai thác than ở đồng bằng sông Hồng.

 

Chất vấn về thông tin thiếu điện ở miền Bắc do Tập đoàn Điện lực thông báo và khả năng xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên, đại biểu Vũ Quang Hải đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm rõ có phải quy hoạch ngành điện với các ngành xung quanh đã phá vỡ quy hoạch chung của ngành điện, dẫn đến thiếu điện. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc có liên quan đến quy hoạch điện giai đoạn 2006-2015, đúng là thực trạng hiện nay đang chậm so với mục tiêu của quy hoạch. Một số chủ đầu tư do khả năng về tài chính, kinh nghiệm cộng với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân của tình trạng chậm tiến độ.

 

Tuy nhiên, nhận thấy tình trạng này, Chính phủ đã điều chỉnh, xem xét giao lại dự án điện cho các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí… cùng với nhiều điều kiện ưu đãi để các doanh nghiệp đẩy nhanh việc thực hiện. Thực tế, năm 2007 mới chỉ có 12.000MW điện, năm 2008 tăng 15.000 MW, hết 2009 có khoảng 18.000 MW điện. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng quả quyết, cùng với việc tiếp tục thực hiện tiết kiệm điện thì khả năng cung ứng điện năm 2010 có thể khó khăn, nhưng không khó khăn như mùa khô năm 2009.

 

Các dự án nhà máy thủy điện đều nằm trong quy hoạch

 

 Nhìn nhận công bằng và khách quan với nhà máy thủy điện

 

Trả lời chất vấn của các đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên) và Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cùng nhiều đại biểu về vấn đề xây dựng các nhà máy thủy điện và ảnh hưởng của lũ lụt ở miền Trung, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh thủy điện là một tiềm năng phải khai thác, phục vụ sản xuất điện, chống lũ và cung cấp nước cho hạ du. Bộ trưởng cũng khẳng định các công trình thủy điện quy mô lớn, nhỏ, vừa được triển khai đều trên cơ sở đã được duyệt. Ở địa phương, với các nhà máy thủy điện quy mô dưới 30MW do địa phương tự phê duyệt hoặc lấy ý kiến của Bộ Công thương, địa phương cũng tham gia công tác lập quy hoạch.

 

Như vậy chúng ta đã có phân cấp rất rõ ràng về vấn đề quy hoạch, không có dự án nào không nằm trong quy hoạch và các địa phương đều tham gia vào công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch.

 

Tuy nhiên, phải nói rằng, quy hoạch không phải là bất biến và tình hình diễn biến thời tiết về khí hậu cũng khác so với dự báo. Các số liệu quan trắc về thủy văn chúng ta thu thập được trên hệ thống các dòng sông từ nhiều năm nay, nhưng bây giờ nhiều số liệu đã không còn phù hợp với tình hình diễn biến của thời tiết, khí hậu. 70% nguồn nước của chúng ta có lưu vực nằm ở nước ngoài, mà số liệu quan trắc thủy văn của chúng ta chỉ chủ yếu dựa trên các trạm quan trắc ở trong nước. Từ đó dẫn đến quy hoạch và việc triển khai một số dự án thủy điện theo quy hoạch có những diễn biến nằm ngoài tính toán của chúng ta.

 

Bộ trưởng cho rằng, nên có cách nhìn nhận công bằng và khách quan đối với thủy điện, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Khi thiếu điện, thủy điện là năng lượng tái tạo không gây hiệu ứng nhà kính, khi nhập khẩu các nguồn năng lượng gặp khó khăn, phát triển thủy điện là xu hướng tất yếu, đặc biệt ở miền Trung. Hiện có trên 800 dự án thủy điện nhỏ và vừa, miền Trung có 335 dự án, đại đa số các công trình thủy điện đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hiểm trở, người làm thủy điện rất vất vả, khó khăn để sản xuất ra điện. Nhìn nhận thủy điện phải công bằng, không phải nguyên nhân gây ra lũ lụt. Riêng thủy điện sông Ba Hạ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo ngành Điện lực, Công thương, Tài nguyên Môi trường… kiểm tra quy trình hoạt động của nó xem có phải gây ra lũ lụt ở Phú Yên hay không.

 

Cũng như phần nhiều các nhà máy thuỷ điện quy mô nhỏ và vừa ở miền Trung do đặc tính hồ bé, độ dốc cao nên khi xây dựng không đặt vấn đề tham gia cắt lũ nhiều mà chủ yếu là tham gia cung cấp điện và điều tiết nước cho vùng hạ du. Cơn bão số 11 vừa qua xảy ra với Tuy Hoà có thể nói là với lượng mưa lịch sử mà chu kỳ hàng trăm năm mới lặp lại, vượt ra khỏi dự báo, vượt khả năng của công trình thuỷ điện, trong đó có công trình thuỷ điện sông Ba Hạ.

 

Trong quá trình vận hành, nhà máy Thuỷ điện sông Ba Hạ đã đảm bảo một nguyên tắc không được làm tăng lũ nhân tạo và phải đảm bảo khi lũ về phải khống chế, nếu giảm được lũ và cắt được lũ thì rất tốt, nếu không thì không được vượt quá lượng lũ về tự nhiên với lượng nước phải xả xuống hạ lưu, tức là đặt vấn đề không có nhà máy thuỷ điện thì vẫn là dòng nước lũ đó với lưu lượng như vậy. Còn với nhà máy thuỷ điện sông Ba Hạ vừa qua cũng tham gia cắt lũ được một phần, nhưng do hồ nhỏ chỉ cắt được 6%, còn lại buộc phải xả lũ, nhưng xả lũ vẫn đảm bảo theo quy định là mức nước về bao nhiêu thì xả bấy nhiêu, tức là không làm tăng lũ tự nhiên.

 

Riêng quy trình vận hành liên hồ chứa, chúng ta làm chưa tốt, chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, trong này có trách nhiệm của Bộ Công thương và hiện nay Chính phủ, các bộ các ngành đang đề nghị Bộ tài nguyên và môi trường sẽ chủ trì việc xây dựng các quy chế vận hành liên hồ chứa trong đó có các hồ chứa trên cùng một bậc thang, trên cùng một hệ thống sông, trong đó có hồ chứa thủy lợi và hồ chứa thủy điện.

 

Đưa sữa vào nhóm mặt hàng thuộc diện bình ổn giá

 

Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Chu Sơn Hà về tình trạng giá sữa ở thị trường trong nước cao hơn các nước trong khu vực, Bộ trưởng Công thương cho biết, đã giao nhiệm vụ cho các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương xem xét và đánh giá. Qua thông tin các thương vụ Việt Nam tại một số nước trong khu vực cung cấp có thể khẳng định giá sữa của chúng ta không phải ở mức cao nhất trong khu vực. Theo Pháp lệnh về giá, việc tăng giá sữa không được thực hiện liên tiếp trong 20 ngày.

 

Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, đây là điều bất cập và một số doanh nghiệp kinh doanh sữa cũng lợi dụng quy định này để tăng giá không có cơ sở, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, các ngành xem xét một số nội dung về pháp lệnh giá trong đó có liên quan đến giá sữa. Về góc độ trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ phải tăng cường công tác kiểm tra ở thị trường, phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành khác tăng cường kiểm tra để phát hiện những hành vi lợi dụng việc khan hiếm, giá cả tăng để trục lợi

 

Giải trình thêm về vấn đề giá sữa, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, đã tổ chức 2 cuộc thanh tra liên ngành về giá sữa cho thấy, việc hình thành giá bán lẻ sữa trong nước là tương đối hợp lý, cá biệt có một số mặt hàng sữa của một số công ty bán không hợp lý. Sắp tới, Bộ sẽ ban hành văn bản với cơ chế quản lý theo hướng công bố sữa là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các doanh nghiệp kinh doanh phải đăng ký giá với các cơ quan chức năng ở địa phương; công bố giá đầu vào theo giá nhập khẩu, cộng với chi phí hợp lý để đăng ký và niêm yết giá; Trường hợp phát hiện giá bán cao hơn sẽ kiến nghị mức thu hồi đưa vào quỹ từ thiện để xây nhà, hỗ trợ cho người nghèo.

 

Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được kinh doanh xăng dầu

 

Về chất vấn của đại biểu Chu Sơn Hà về tình trạng biến động giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu để trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu. Sau một thời gian nghiên cứu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84 sửa đổi bổ sung Nghị định 55 với những điểm thay đổi cơ bản sau: Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được kinh doanh xăng dầu. Đối với doanh nghiệp nước ngoài thì thực hiện theo cam kết của Việt Nam, theo lộ trình cam kết trong khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Đối với doanh nghiệp trong nước không phân biệt thành phần kinh tế, nếu đủ điều kiện thì đều được phép hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Đó là điểm thay đổi rất cơ bản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này.

 

Coi việc kinh doanh xăng dầu là một loại hình kinh doanh có điều kiện và vì vậy phải thực hiện việc đăng ký, đối với việc doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì đầu mối xem xét là Bộ Công thương, còn đối với việc sản xuất xăng đầu thì theo quy định về đầu tư, các địa phương có thể cấp phép nhưng theo quy hoạch và theo quy định về đầu tư. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho hệ thống bán lẻ thuộc trách nhiệm của UBND các địa phương và uỷ quyền cho Sở Công thương.

 

Sẽ thiết lập quỹ bình ổn giá để khi có biến động giá lớn thì doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn này để điều chỉnh giá xăng dầu, hạn chế những biến động thất thường, quỹ bình ổn được để lại cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ ban hành quy định về quản lý quỹ bình ổn xăng dầu. Nếu giá thị trường thế giới tăng dưới 7% thì doanh nghiệp được quyền quyết định việc tăng, nếu tăng từ 7-12% thì doanh nghiệp được quyền quyết định điều chỉnh giá tăng 7%, còn khoảng chênh từ 7-12% thì 60% là doanh nghiệp được quy định tăng giá, 40% còn lại được sử dụng từ quỹ bình ổn giá để đảm bảo cho giá tăng không quá lớn.

 

Việc tăng giá giữa lần tăng thứ nhất và lần tăng thứ hai tối thiểu trong 10 ngày, còn khi giảm giá thì tối đa trong 10 ngày; nếu trong trường hợp có diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới mà giá xăng dầu vượt trên 12% thì lúc đó Chính phủ sẽ sử dụng biện pháp điều chỉnh để đảm bảo cho giá xăng dầu trong nước không biến động quá nhiều. Với Nghị định 84 này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về giá xăng dầu, trong đó có quy chế điều hành linh hoạt để người tiêu dùng có thể kiểm soát được việc các cơ sở kinh doanh xăng dầu nếu cố tình có hành vi trục lợi và gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì sẽ có biện pháp chế tài.

 

Giải trình thêm về việc quản lý, điều hành giá xăng thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nêu rõ, quan điểm về quản lý giá xăng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã được thực hiện từ năm 2006. Đến tháng 9/2008 mới thực hiện quản lý giá dầu theo cơ chế thị trường. Việc điều hành trong bối cảnh rất đặc biệt, lạm phát cao, có lúc giá xăng dầu thế giới lên tới 147USD/thùng; tại những thời điểm biến động như thế, tuy nhiên chúng ta đã có bước điều chỉnh hợp lý, có lúc điều chỉnh giá lên cao nhưng cả xăng và dầu vẫn lỗ nên chưa hoàn toàn điều hành theo cơ chế thị trường, bởi mục tiêu đặt lên hàng đầu là bình ổn thị trường.

 

Năm 2009, giá xăng dầu thế giới có giảm xuống, nhưng trong nước chưa thể giảm ngay được, chỉ mới giảm được mức độ để giá xăng dầu không bị lỗ. Mặt khác, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, để ổn định tình hình trong nước, Nhà nước đưa ra nhiều chủ trương để ổn định, trong khi đó, giá xăng dầu thế giới đã có nhích lên, nhưng nếu tăng giá xăng dầu trong nước là không hợp lý, nên Chính phủ chỉ đạo không điều chỉnh để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời cũng không điều chỉnh thuế. Cho đến thời điểm này, nhìn chung giá xăng dầu trong nước đã tương đối theo sát giá thế giới.

 

Sắp tới đây, Nghị định 84 của Chính phủ sẽ có hiệu lực, đây là một cơ chế tốt để điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường có điều kiện để Quốc hội, cử tri giám sát. Nếu giá biến động tăng giảm trong một phạm vi nhất định, doanh nghiệp được quyền điều chỉnh mà không cần phải xin phép với biểu thuế, chi phí được công khai minh bạch; nếu giá tăng trên mức bình thường (trên 7%) sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá để điều hành; trường hợp biến động trên 12%, Nhà nước sẽ công bố các biện pháp bình ổn giá, thậm chí có thể bù lỗ.

 

Các đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), Trần Du Lịch (TPHCM) chất vấn về giải pháp của Bộ Công thương để thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, để việc triển khai chương trình này có hiệu quả, ngoài việc vận động các phong trào đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, về các đô thị, về vùng sâu, vùng xa, việc tuyên truyền ý thức của người tiêu dùng dành sự mua sắm của mình cho các hàng hóa của Việt Nam sản xuất, đặc biệt quan tâm việc yêu cầu các nhà sản xuất Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành các sản phẩm của mình để qua đó tạo lòng tin cho người tiêu dùng Việt Nam. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đó là trách nhiệm hai chiều, chúng ta không thể yêu cầu người tiêu dùng phải dùng hàng Việt Nam trong khi hàng Việt Nam chất lượng thấp, mẫu mã đơn giản và giá thì không cạnh tranh được với hàng thế giới.

 

Sau 180 phút đăng đàn, đã có 14 lượt đại biểu đặt chất vấn, còn 17 đại biểu chưa được chất vấn. Các văn bản chất vấn này sẽ được gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương để tiếp tục trả lời.

 

Chiều nay, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn sẽ là thành viên thứ 4 của Chính phủ đăng đàn./.

Thanh Hà - Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác