Tổng kết các chất vấn của ĐBQH, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, quốc gia nào cũng có chính sách bảo hộ thị trường nội địa. Bởi vì, phát triển thị trường nội địa không chỉ giúp tăng trưởng thương mại bền vững, người dân được mua hàng thuận tiện, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước. Các ĐBQH muốn ngành công thương phải có một chiến lược “dài hơi, bài bản” về vấn đề này. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng gợi ý các bước đi cụ thể, là ngoài việc tuyên truyền khơi dậy lòng yêu nước để “Người Việt dùng hàng Việt”, thì Bộ cần hướng các doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, chăm sóc lao động, đổi mới công nghệ, thiết lập hệ thống phân phối, sản xuất ra những hàng hóa tốt, giá cả phù hợp … Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những điểm mạnh của thị trường nội địa là nhìn chung người dân ta vẫn có niềm tin, đồng thời tiêu dùng cũng khá “dễ tính”.
Ngoài phần trả lời trên hội trường, Bộ trưởng Công thương cũng có báo cáo bằng văn bản gửi các vị ĐBQH về kết quả thực hiện các lời hứa tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII:
Không có chuyện 80% hộ dân không chịu nhận nhà
Sau khi tiến hành kiểm tra theo yêu cầu của các ĐBQH, Bộ trưởng Công thương có đánh giá chung về chất lượng nhà ở cho đồng bào tái định cư trong dự án công trình thuỷ điện Bản Vẽ đã được xây dựng theo đúng quy hoạch, quy mô, kết cấu được phê duyệt, đa số đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào. Tổng hộ dân phải di dời là 2.985 hộ, đến ngày 3-11-2009 đã di chuyển được 2520 hộ, đạt 84,4%. Bộ đã trực tiếp khảo sát công tác di dân, tái định cư tại dự án Thuỷ điện Bản Vẽ và dự án đường dây tải điện 220Kv Huế- Đòng Hới. Thực tế tại các điểm tái định cư, đồng bào bước đầu đã ổn định cuộc sống, nhiều hộ dân đã nhận đất để tổ chức sản xuất, đồng bào phấn khởi, an tâm với nơi ở mới... Những ý kiến mà ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Công Thương tại kỳ họp thứ 5, QH khoá XII đã được Ban QLDA thuỷ điện 2 khắc phục, sửa chữa lại một số nhà mà dân chưa nhận, nay đồng bào đã đến ở, bước đầu đã ổn định đời sống. Báo cáo cũng cho biết : “Việc 80% hộ dân không chịu nhận nhà theo phản ánh là không có”.
Đối với các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương, cuộc sống của đồng bào tái định cư đã bước đầu ổn định đời sống, nhiều hộ đã tổ chức sản xuất, tự túc được lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc ổn định cuộc sống lâu dài cho đồng bào vẫn đang được tiếp tục thực hiện như: Bố trí đủ đất sản xuất, hướng dẫn người dân thay đổi tập quán sản xuất, hỗ trợ sản xuất, lập hồ sơ cấp đất... Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thuỷ điện Bản Vẽ.
Dân đỡ lo điện giật
Bộ trưởng Công Thương đã tổ chức kiểm tra an toàn lưới điện tại các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị và kết quả kiểm tra cho thấy, nhìn chung, công tác bảo đảm an toàn của các đường dây 110kV, 220kV, 500kV khu vực kiểm tra tại ba tỉnh nói trên cơ bản đã được bảo đảm, ngoại trừ một số khoảng cột của đường dây 500kV chưa bảo đảm độ cao pha - đất. Các hộ dân sống trong HLLĐ 110kV, 220kV và gần HLLĐ 500kV mà Đoàn đã kiểm tra theo yêu cầu của ĐBQH đã bảo đảm các quy định về an toàn. Ngoài những phản ánh lo ngại khi sống trong hành lang lưới điện, người dân có ý kiến nhiều về công tác bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng đường dây. Về vấn đề này, Bộ đã đề nghị Đoàn ĐBQH kiến nghị UBND tỉnh giải quyết theo thuộc thẩm quyền. Báo cáo viết: “Như vậy, các vấn đề cử tri nêu tại kỳ họp thứ 5 và các kỳ họp trước đó đã được giải quyết xong”.
Tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vẫn chờ chế tài xử phạt
Bộ đã có cuộc họp trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT là đầu mối chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành trong việc việc sửa đổi, bổ sung một số chế tài xử lý vi phạm hợp đồng trong Quyết định số 77/2002/QĐ-BNN ngày 28-8-2002 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về mẫu hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hiện nay Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đang tích cực chỉ đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ NN & PTNT tiến hành sửa đổi, bổ sung và gửi các Bộ, ngành có liên quan xin ý kiến đóng góp để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sẽ có chương trình quốc gia về chống buôn lậu
Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá và hoàn thành Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng và nhu cầu bổ sung biên chế, phương tiện chuyên dùng, kinh phí cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trách nhiệm của quản lý thị trường và sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành xây dựng Quy chế trách nhiệm và quan hệ công tác giữa các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình hành động quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại từ nay đến năm 2020 để trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 12-2009.