* Chính phủ trình Dự án Luật An toàn thực phẩm và Dự án Luật Người khuyết tật
* Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi): QH quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm
Sáng 10.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, QH đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật An toàn thực phẩm và Dự án Luật Người khuyết tật.
Tờ trình về Dự án Luật An toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày, nêu rõ: Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm là một công cụ pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên qua 6 năm thực hiện, Pháp lệnh bộc lộ rõ một số hạn chế. Không những thế, cùng một lĩnh vực nhưng đã có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Theo thống kê, đã có 134 văn bản của các ngành, các cấp tạo nên sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lắp. Hiện nay, việc phân công trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành; nhất là giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai và phối hợp thực hiện, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Do đó, cần sớm ban hành Luật An toàn thực phẩm, nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm. Dự thảo Luật An toàn thực phẩm gồm 11 chương, 62 điều, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm; thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; kiểm nghiệm thực phẩm; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm…
Báo cáo thẩm tra dự án Luật này do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày đã khẳng định, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết 6 năm thực hiện Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và kết quả giám sát tối cao của QH Khóa XII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2004 – 2008. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị: cần bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi cung cấp thực thẩm; về giải quyết khiếu nại, tranh chấp và bồi thường thiệt hại về an toàn thực phẩm để bảo đảm tính khả thi của Luật. Và hiện nay, các Bộ đều là cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an toàn thực thẩm; vì vậy cần làm rõ quy định “bộ quản lý nhà nước chuyên ngành”, “bộ quản lý ngành, lĩnh vực” và “cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm” là những bộ nào để thấy rõ trách nhiệm quản lý. Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cần phân công rõ trách nhiệm của Bộ Y tế là Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, còn đối với các bộ khác nên giao Chính phủ phân công cụ thể; đồng thời phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, cần bảo đảm việc quản lý xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm. Tránh việc một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nhiều cơ quan quản lý nhà nước vào thanh tra, kiểm tra. Giảm bớt đầu mối các bộ tham gia vào công tác quản lý thực phẩm; không gây xáo trộn lớn về bộ máy tổ chức của các Bộ được phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay.
Tiếp đó, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật người khuyết tật. Dự thảo Luật có 9 chương, 43 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật, chính sách của Nhà nước, xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của gia đình, quy định về chính sách giáo dục đối với người khuyết tật , các phương thức giáo dục người khuyết tật bao gồm hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Người khuyết tật do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày cho rằng: Dự án Luật đã tiếp tục phát triển những quan điểm của Pháp lệnh về người tàn tật trên cơ sở tiếp cận những quan điểm của công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; tiếp tục bổ sung hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội bình đẳng; từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người khuyết tật. Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị, dự thảo Luật cần nhìn nhận vấn đề ở góc độ xã hội chứ không thiên về góc độ y tế như trước đây (trước đây chỉ tập trung vào chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với người tàn tật). Do vậy, dự án Luật cần hướng nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ, xoá bỏ rào cản về nhận thức, môi trường để người khuyết tật được bình đẳng về cơ hội, có điều kiện để người khuyết tật chủ động tham gia vào đời sống xã hội. Vấn đề người khuyết tật liên quan đến nhiều chính sách đã được ban hành trong các văn bản pháp luật khác như: Bộ luật Lao động; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Giáo dục; Luật Dạy nghề; Luật Bình đẳng giới; Luật Người cao tuổi... Do vậy, những chính sách đưa ra trong dự thảo Luật phải được rà soát, đối chiếu, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; cân đối, đồng bộ với các đối tượng khác (trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người có công với cách mạng...) cũng như không trùng lắp trong tổng thể chính sách an sinh xã hội. Ngoài ra, cần có những phân tích dự báo xu hướng trong tương lai, với sự gia tăng và quá trình già hóa dân số cùng với những tác động của phát triển kinh tế - xã hội để làm rõ sự cần thiết phải có những chính sách phù hợp trong phòng ngừa cũng như trợ giúp người khuyết tật.
Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi).
Các ĐBQH nhất trí cho rằng: dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, tiến bộ so với Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành về vấn đề hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, về vai trò của cơ quan giám sát bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng… Tuy nhiên, sự phân cấp chức năng, nhiệm vụ giữa Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không được quy định rõ ràng, cụ thể và không thay đổi so với Luật hiện hành. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chỉ rõ, trong thực tế, lãi suất và tỷ giá vừa là công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, quản lý kinh tế vĩ mô, vừa là mục tiêu trung gian để đạt mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không quy định rõ Ngân hàng Nhà nước được quyết định sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đến mức nào, thì sẽ khó cho tính tự chủ của Ngân hàng Nhà nước. ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Trần Đình Nhã (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, cần quy định về chức năng của QH trong việc hoạch định chính sách tiền tệ phù hợp với Hiếp pháp và Luật Tổ chức QH, để tránh mâu thuẫn pháp lý. QH quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm. Bởi chỉ tiêu lạm phát có vai trò quan trọng, có tính chất tổng quát, vĩ mô và ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu cụ thể khác của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Và để QH có thể thực hiện tốt chức năng quyết định và giám sát về chính sách tiền tệ, dự thảo Luật cũng cần quy định cụ thể về chức năng và thẩm quyền của UBTVQH trong quyết định mức tạm ứng ngân sách Trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời ngân sách nhà nước – ĐB Nguyễn Viết Ngoạn (Khánh Hòa) đề nghị.
Nhiều ĐBQH đồng tình với quy định về thẩm quyền xác định lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, việc không quy định về lãi suất cơ bản trong dự thảo Luật là phù hợp. Nhiều ĐBQH cho rằng, trong trường hợp diễn biến thị trường có bất thường, Ngân hàng Nhà nước phải được quy định cơ chế điều hành lãi suất của các tổ chức tín dụng. Như vậy, sẽ giúp tạo sự ổn định cho hoạt động tiền tệ, tín dụng.
Về chức năng giám sát hoạt động ngân hàng, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên ôm đồm cả việc giám sát công ty chứng khoán, bảo hiểm do các ngân hàng thương mại thành lập hoặc giữ cổ phần chi phối, để tránh chồng chéo, mâu thuẫn về thẩm quyền quản lý giữa các cơ quan quản lý. Để thực hiện chính sách tiền tệ có hiệu quả và tạo phản ứng linh hoạt trước những biến động trong hệ thống ngân hàng, thì Ngân hàng Nhà nước cần phải giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhưng đối tượng giám sát cần khuôn lại trong hoạt động chính của các tổ chức tín dụng bởi công ty chứng khoán, bảo hiểm này đang được UB Chứng khoán, Bộ Tài chính giám sát hoạt động – ĐB Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.