Phiên họp thứ 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nhà trường phải công khai chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ

04/10/2009

Sáng nay, 3-10, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng (UB VHGD, TTN&NĐ) Đào Trọng Thi cho biết, tiếp thu ý kiến các đóng góp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về nhiệm vụ của nhà trường như sau: “Công bố công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường”. UB cho rằng, việc bổ sung quy định này sẽ góp phần định hướng tốt hơn cho người học trong việc lựa chọn cơ sở giáo dục để theo học, đồng thời tăng khả năng giám sát của xã hội đối với nhà trường. Đó cũng là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đối chiếu giữa “sản phẩm đầu ra” với mục tiêu giáo dục mà nhà trường đã công bố khi tiến hành kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi yêu cầu quy định rõ hình thức, đối tượng được công khai, đồng thời bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm nếu nhà trường công bố thông tin không đúng sự thật hoặc không thực hiện đúng cam kết. Tham dự phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Nếu quy định rõ nội dung công khai đối với tất cả các loại trường vào Luật thì sẽ rất dài, Bộ đã chuẩn bị văn bản, khoảng 45 trang”. Ông đề nghị để Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này trong văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Về vấn đề miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, đa số ý kiến trong UB VHGD, TTN&NĐ đồng tình với việc thay chính sách “miễn học phí” bằng “cho hưởng tín dụng ưu đãi”, nếu khi ra trường làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục... thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã sử dụng để chi trả học phí. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ thời gian tối thiểu đảm nhiệm công tác giảng dạy, giáo dục để được miễn hoàn trả tín dụng; đồng thời mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên sư phạm ra trường về công tác trong lĩnh vực khác ở những vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo yêu cầu của nhà nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dự thảo Luật sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp trên. Tuy nhiên, ông nói thêm, thời gian tối thiểu đảm nhiệm công tác giảng dạy, giáo dục để được miễn hoàn trả tín dụng không thể giống nhau ở mọi địa bàn và loại hình trường lớp, do đó quy định vấn đề này tại văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì sẽ hợp lý hơn. 

 

ANH PHƯƠNG

(http://www.sggp.org.vn/)

Các bài viết khác