Khai mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

29/09/2009

* Dự án Luật Viễn thông: Tư tưởng bao cấp bao giờ mới chấm dứt?; * Dự án Luật Tần số vô tuyến điện: Không nên luật hóa các vấn đề thuộc chức năng, thẩm quyền của Thủ tướng * Cho ý kiến về các vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Người cao tuổi và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 28.9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Hai tư.

Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 4 dự án Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Người cao tuổi và Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Dự án Luật Viễn thông đã được trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ Năm. Theo tổng hợp của Thường trực UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường, hiện, dự thảo Luật vẫn còn hai nhóm vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật và các quy định về cạnh tranh, phát triển thị trường viễn thông. Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh nêu rõ: sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ bao gồm các hoạt động kinh doanh, quản lý viễn thông, quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động viễn thông, trong đó có cả hoạt động khai thác và sử dụng dịch vụ và cơ sở hạ tầng viễn thông. Đồng thời, nhiều quy định của dự thảo Luật cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng thể hiện rõ hơn xu hướng hội tụ giữa công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình và viễn thông và các nội dung liên quan đến khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông và mạng Internet.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Luật Viễn thông. Tuy nhiên, đa số Ủy viên UBTVQH chưa tán thành với các quy định về chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực viễn thông của dự thảo Luật. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các chính sách quy định tại Điều 4 dự thảo Luật chưa rõ ràng, thiếu minh bạch. Khoản 3, Điều 4 quy định Nhà nước ưu tiên phát triển viễn thông đối với nông thôn vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn... nhưng nếu xác định viễn thông là hoạt động gửi, truyền, nhận tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh như tại Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật thì không rõ Nhà nước sẽ ưu tiên phát triển những vấn đề gì của viễn thông ở các vùng này? Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận đề nghị: khái niệm viễn thông quá rộng nên dự thảo Luật cần quy định rõ vấn đề này, tránh trường hợp sau này không thực hiện được lại đổ lỗi tại QH. Hay khoản 5, Điều 4 quy định Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn nhân lực viễn thông nhằm đáp ứng việc kinh doanh quản lý khai thác. Đây là tư duy của Nhà nước bao cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng hoạt động viễn thông hiện nay được mở rộng cho tất cả các thành phần kinh tế. Vậy luật ưu tiên phát triển nguồn nhân lực viễn thông là ưu tiên cho ai? Ưu tiên cho khu vực Nhà nước hay ưu tiên cho cả doanh nghiệp trong nước, ngoài nước? Hơn nữa, nếu ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước thì sẽ vi phạm nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh. Tán thành quan điểm này, một số Ủy viên UBTVQH cũng cho rằng: dường như dự thảo Luật nào do Bộ Bưu chính Viễn thông chủ trì soạn thảo cũng có tư tưởng Nhà nước phải ưu tiên đầu tư. Một chính sách của Nhà nước được Luật hóa nhưng lại không rõ ràng thì khi triển khai thực hiện sẽ như thế nào? Và không biết đến bao giờ thì tư tưởng Nhà nước phải bao cấp mới chấm dứt đối với các cơ quan soạn thảo Luật?

Một vấn đề khác của dự thảo Luật cũng chưa nhận được sự đồng thuận của các Ủy viên UBTVQH là các quy định về thanh tra chuyên ngành. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, hiện đang có tình trạng cứ luật nào mang tính chất chuyên ngành, UBTVQH, QH cũng lại phải mệt mỏi về thanh tra chuyên ngành trong khi đó vấn đề này đã được quy định rất rõ trong Luật Thanh tra.

Cho ý kiến về dự án Luật Tần số vô tuyến điện, các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, không nên luật hóa các quy định về Ủy ban Tần số vô tuyến điện vì đây là thẩm quyền riêng của Thủ tướng Chính phủ và thực tế, Ủy ban này cũng đã được Thủ tướng thành lập hơn 20 năm nay. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện, các Ủy viên UBTVQH đề nghị, tương tự như dự thảo Luật Viễn thông, nếu chỉ quy định chung chung, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện... mà không xác định rõ Bộ Bưu chính Viễn thông làm gì, chịu trách nhiệm gì trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện thì không nên luật hóa. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật lập pháp mà đã được quy định rõ tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Về chính sách ưu tiên của Nhà nước trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, các Ủy viên UBTVQH nhấn mạnh: nếu lĩnh vực nào Nhà nước cũng ưu tiên, cũng xác định là mũi nhọn thì sẽ không phải là ưu tiên nữa.

Đối với dự án Luật Người cao tuổi, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát các quy định trong dự thảo Luật để xác định đối tượng điều chỉnh phù hợp.

Đa số Ủy viên của UBTVQH cho rằng, Luật Người cao tuổi cần quy định rõ độ tuổi được hưởng bảo trợ xã hội. Mức hỗ trợ cụ thể nên giao Chính phủ quy định để phù hợp với điều kiện ngân sách Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị, bảo trợ xã hội nên áp dụng đối với người 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, cần cân nhắc nguồn kinh phí để thực hiện bảo trợ xã hội. Bởi nếu không cân nhắc kỹ thì dễ dẫn đến tình trạng có nơi triển khai tốt, nơi khó thực hiện do khả năng thu ngân sách tại mỗi địa phương khác nhau.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các Ủy viên UBTVQH tập trung cho ý kiến về quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế; cán bộ, công chức y tế hành nghề y tế tư nhân; cấp giấy phép hoạt động với cơ sở khám chữa bệnh... Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba đề nghị, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế chỉ nên thực hiện một lần. Đồng thời, yêu cầu bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định về thanh tra, kiểm tra, thu hồi chứng chỉ hành nghề y. Việc định kỳ cấp lại chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần như quy định của dự án Luật sẽ gây tốn kém, phiền phức cho cả cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như người hành nghề. Hơn nữa, việc cấp chứng chỉ hành nghề là hình thức xét cấp, căn cứ vào các văn bản chứng nhận, không thi sát hạch nên nếu được triển khai có thể gây ra tình trạng xin – cho. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về việc học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn của y bác sỹ. Bộ Y tế xây dựng lộ trình xây dựng thi sát hạch chuyên môn với cán bộ y tế; xác định căn cứ đánh giá cơ sở khám chữa bệnh trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Các Ủy viên UBTVQH cho rằng, việc cấp giấy phép hoạt động chỉ là thủ tục hành chính nên nếu định kỳ cấp lại, hay gia hạn giấy phép hoạt động sẽ ít có tác dụng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm tăng gánh nặng công việc, tăng cán bộ, ngân sách với cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập có cần thiết phải thêm giấy phép hoạt động do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp hay không? Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước đề nghị, chủ trương cải cách hành chính đang được triển khai thực hiện nên cần cân nhắc có thêm các tầng nấc, cơ quan quyết định thành lập cơ sở y tế hay không? Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, quyết định thành lập và giấy phép hoạt động cho cơ sở y tế có giá trị khác nhau. Giấy phép hoạt động được ban hành dựa trên nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong khi đó, quyết định thành lập là quyết định hành chính. Do vậy, việc cấp giấy phép hoạt động nên áp dụng cho cả các bệnh viện được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

P. Thúy – P. Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác