Tọa đàm về hoạt động chất vấn của ĐBQH và hoạt động giải trình tại các cơ quan của QH

27/09/2009

Ngày 26.9, tại Lâm Đồng, UB Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm về hoạt động chất vấn của ĐBQH và hoạt động giải trình tại các cơ quan của QH. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Trương Thị Mai chủ trì

Ngày 26.9, tại Lâm Đồng, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực các cơ quan đại diện tại Việt Nam (00049114) của VPQH và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), UB Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm về hoạt động chất vấn của ĐBQH và hoạt động giải trình tại các cơ quan của QH. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Trương Thị Mai chủ trì Tọa đàm.

 

Tham dự Tọa đàm có Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến và ĐBQH ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

 

Phát biểu khai mạc cuộc Tọa đàm, Chủ nhiệm UB Trương Thị Mai nhấn mạnh tính hiệu quả, thiết thực cũng như những nỗ lực của QH, các cơ quan của QH trong việc tìm tòi, cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp và pháp luật, UB Về các vấn đề xã hội đã nhiều lần yêu cầu các thành viên Chính phủ, cụ thể là Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - giải trình về những vấn đề vướng mắc đang gây bức xúc cho người dân liên quan đến giá thuốc; cơ chế cùng chi trả trong bảo hiểm y tế; chính sách cho những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Tuy nhiên, các hoạt động này mới dừng ở phạm vi các phiên họp mở rộng của Thường trực UB. Trong thời gian tới, UB sẽ nghiên cứu, lựa chọn và tổ chức các hoạt động giải trình tại Phiên họp của UB về những vấn đề mà người dân quan tâm.

 

Tại cuộc Tọa đàm, các đại biểu đã nghe và thảo luận về một số kinh nghiệm quốc tế về hoạt động chất vấn và điều trần; điều kiện và quy trình tổ chức một phiên nghe giải trình của các cơ quan tại HĐDT và các UB của QH; việc yêu cầu Chính phủ giải trình ở UB của QH từ kinh nghiệm chất vấn, giải trình của HĐND TP Hồ Chí Minh; phân biệt hoạt động chất vấn, điều trần và giải trình... Hiện nay, Hiến pháp và pháp luật đã quy định 2 cơ chế giám sát là chất vấn và giải trình. Trong đó, chất vấn là quyền của ĐBQH nhằm làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm của các chức danh do QH bầu và phê chuẩn. Chế định xem xét, trình bày, giải trình, mặc dù đã được quy định trong luật, nhưng hiện vẫn chưa được tiến hành một cách hệ thống và thường xuyên tại HĐDT và các UB của QH. Ghi nhận tính hiệu quả của các hoạt động chất vấn và giải trình, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tiến tới hoàn thiện và tổ chức thường xuyên hơn 2 cơ chế giám sát này, nhất là các hoạt động giải trình tại HĐDT và các UB của QH. Liên quan đến khái niệm “điều trần”, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, mặc dù Luật Tổ chức QH, Luật Hoạt động giám sát... chưa quy định về “điều trần”, nhưng thực tế ở Việt Nam, điều trần không phải là hoạt động xa lạ. Thực chất, “điều trần” ở Việt Nam là các cuộc họp công khai của UB nhằm thu thập thông tin, thẩm tra một dự án luật, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật hoặc các hoạt động của Chính phủ, các thành viên Chính phủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Và công cụ này đang được HĐND TP Hồ Chí Minh khai thác và sử dụng khá hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT- XH của địa phương, làm cho không khí hoạt động của HĐND ngày càng công khai, dân chủ và gần dân hơn...

 

Những ý kiến trao đổi tại cuộc Tọa đàm đã bước đầu cung cấp tới ĐBQH cái nhìn rõ ràng hơn về chất vấn, giải trình và điều trần. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế định này trong các văn bản pháp luật liên quan, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình tại QH, các cơ quan của QH.

T. Bình

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác