Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, giám sát là một chức năng quan trọng của Quốc hội và có rất nhiều phương thức để giám sát như: xem xét báo cáo, tổ chức đoàn giám sát, chất vấn tại kỳ họp, thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định trong trường hợp cần thiết, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội, các UB của Quốc hội chưa thực sự hiệu quả, do phạm vi giám sát rộng, còn có khoảng cách nhất định giữa luật pháp và thực tiễn... Kỹ năng giám sát đối với việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới còn khá mới mẻ với ĐBQH.
Theo các đại biểu, việc lựa chọn vấn đề giám sát cần được chú trọng, đặc biệt là nội dung lồng ghép bình đẳng giới. Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, đối với các vấn đề thực sự bức thiết có thể áp dụng hình thức giám sát tối cao của Quốc hội. Khi các ĐBQH có kỹ năng giám sát tốt thì việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới sẽ được phát huy tốt và sẽ đóng góp tích cực hơn trong quá trình lập pháp của Quốc hội- Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Nguyễn Minh Thuyết nói.