Chủ nhiệm UB Hà Văn Hiền và Phó chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì Hội thảo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu tới dự.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về tính hiệu quả của các chính sách, các giải pháp ứng phó với suy giảm kinh tế mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong thời gian qua; phân tích những diễn biến mới của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới cũng như dự báo về các tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều đại biểu đã tập trung phân tích và đánh giá các tác động của gói kích thích kinh tế trên 3 nhóm vấn đề là ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tới các doanh nghiệp và người lao động; đề xuất nhiều giải pháp về chính sách và biện pháp tổ chức thực hiện các chính sách nhằm góp phần đưa kinh tế Việt Nam sớm vượt qua suy thoái và tiếp tục phát triển hợp lý, bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định, các giải pháp cấp bách ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, trong đó có gói giải pháp kích thích kinh tế với quy mô ước khoảng 143 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ triển khai trong thời gian qua đã bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo “cú hích” cho nền kinh tế đang trong tình trạng suy giảm. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng không phải đã không còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, có thể gây tác động bất lợi. Phó chủ tịch QH đề nghị, Hội thảo tập trung phân tích, chỉ rõ những mặt được và những điểm còn hạn chế của việc áp dụng các giải pháp kích thích kinh tế thời gian qua bao gồm cả quy mô, cơ chế quản lý, phân bổ và hiệu quả của gói kích cầu. Đặc biệt là vấn đề kiểm soát dòng vốn kích thích kinh tế để bảo đảm dòng vốn này đến đúng đối tượng và mang lại lợi ích nhiều nhất cho những người thụ hưởng. Trên cơ sở phân tích và dự báo triển vọng kinh tế trong nước và thế giới trong thời gian tới, Hội thảo cần tập trung thảo luận về những vấn đề nổi lên trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Chẳng hạn, khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc vào cuối năm nay, có nên có thêm một hay nhiều gói kích cầu nữa hay không? Nếu cần một gói kích cầu mới thì quy mô nên như thế nào?
Diễn ra trước thềm Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII, Hội thảo là cơ hội để các cơ quan của QH, ĐBQH, các chuyên gia, nhà kinh tế trong nước và quốc tế thảo luận, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đánh giá thực tiễn. Từ đó kiến nghị các giải pháp, phục vụ cho việc xem xét Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KT- XH năm 2009 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT- XH năm 2010.