Ủy ban Về các vấn đề xã hội giám sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Giám sát để quyền lợi hợp pháp của người dân được bảo vệ

19/08/2009

Từ khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có hiệu lực thi hành, ngày 1.7.2007, nhìn chung công tác quản lý, theo dõi, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tập trung hơn. Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận người lao động gặp phải rủi ro hoặc chịu thiệt thòi khi đi lao động ở nước ngoài.

 Trao đổi với PV Báo NĐBND về tình hình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - một trong những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội - Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, UB đang nỗ lực thông qua hoạt động giám sát để tham mưu với QH những biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, người lao động, hạn chế thấp nhất những rủi ro mà người lao động có thể gặp phải khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài.

PV: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện chiến lược. Tuy nhiên, thực tiễn tình hình xuất khẩu lao động cho thấy, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn đang phải chịu thiệt thòi...? 

CN Trương Thị Mai: Từ khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có hiệu lực thi hành, ngày 1.7.2007, đến nay, nhìn chung công tác quản lý, theo dõi, tổ chức xuất khẩu lao động đã tập trung hơn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đa phần người lao động đi làm việc ở nước ngoài và gia đình đều có cuộc sống khấm khá hơn. Chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn. Chính sách, pháp luật liên quan đến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cơ bản đang phát huy hiệu quả. Ví dụ như ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc..., người lao động Việt Nam đang làm việc và có thu nhập tốt. Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận người lao động gặp phải rủi ro hoặc chịu thiệt thòi khi đi lao động ở nước ngoài. Hiện nay, hầu như tuần nào, tháng nào, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng thấy phản ánh những trường hợp người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gặp phải rủi ro này, rủi ro khác, thậm chí là bị lừa đảo mất hết tiền bạc hoặc sau khi đi lao động về nước không đủ tiền để trả nợ cho các khoản đã phải đóng nộp trước khi đi... Hoặc, cũng có những doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa thực hiện đúng quy định pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Đây là những điểm cần phải điều chỉnh. Với tư cách là cơ quan được giao giám sát trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói riêng và lao động - việc làm nói chung, UB cần có cái nhìn khách quan về thực trạng xuất khẩu lao động hiện nay. Trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị chính xác, có thể là sửa đổi, bổ sung pháp luật hoặc sửa đổi, ban hành thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ để người lao động có nhiều cơ hội đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng... 

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chiến lược lớn của quốc gia về giải quyết việc làm, liên quan nhiều đến cuộc sống của người dân. Tất cả những nỗ lực của UB trong đợt giám sát này là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, người lao động, hạn chế thấp nhất những rủi ro mà người lao động có thể gặp phải khi tham gia lao động ở thị trường ngoài nước.

PV: Thưa Chủ nhiệm, thực hiện chiến lược đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vừa qua, nhiều chục ngàn người lao động đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cũng như cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, thực tế tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng đang nảy sinh một số vướng mắc ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Từ góc nhìn của cơ quan giám sát, Chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào...?

CN Trương Thị Mai: Thực hiện Chương trình giám sát của UB năm 2009, hiện nay UB Về các vấn đề xã hội đang tổ chức giám sát một số địa phương nhằm đánh giá tình hình sau 2 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Với mục đích có được những thông tin sát thực, UB chủ trương các Đoàn Giám sát sẽ đi đến tận cấp xã gặp gỡ chính quyền cơ sở, người dân, những lao động đã đi và trở về, những gia đình có con em đang lao động ở nước ngoài. Qua đợt giám sát đầu tiên tại các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Yên Bái... bước đầu thấy có một số vấn đề cần quan tâm đó là: chất lương lao động - tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đã đưa đi hiện nay đang ở mức thấp, khoảng 30%, người lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hầu hết là lao động phổ thông; chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp tham gia đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong hơn 160 doanh nghiệp tham gia đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có một bộ phận doanh nghiệp từ khi thành lập đến nay chưa đưa đi được lao động nào ra nước ngoài làm việc. Một số doanh nghiệp khác, số lượng đưa đi thấp. Bên cạnh đó, vấn đề thẩm định hợp đồng của các cơ quan có thẩm quyền, quá trình tuyển chọn người lao động của các doanh nghiệp... đều có những điểm cần phải tiếp tục xem xét, điều chỉnh. Nhìn chung, qua 2 năm vận hành, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đi vào cuộc sống và là cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Những kết quả đó rất đáng ghi nhận. Thực tế cũng cho thấy cần thiết phải tiếp tục rà soát quy hoạch lại bộ phận doanh nghiệp tham gia dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với mục đích của từng giai đoạn; nghiên cứu công bố chất lượng doanh nghiệp hàng năm và thông báo rộng rãi trong xã hội; xem xét lại quá trình tuyển chọn người lao động điều chỉnh các chính sách dạy nghề, mức vốn vay cho người lao động là đối tượng chính sách, người dân ở vùng nông thôn để tạo thêm cơ hội tham gia vào những thị trường có mức thu nhập cao hơn. Xa hơn là nghiên cứu xây dựng chiến lược đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm cả những công việc chuẩn bị cho người lao động trước khi đi và khi người lao động trở về có thể tiếp tục tham gia vào phát triển nền kinh tế; tạo dừng hình ảnh người lao động Việt Nam ở nước ngoài như thế nào... chứ không chỉ dừng ở việc chấp hành pháp luật, hạn chế rủi ro đối với người lao động

PV: Thưa Chủ nhiệm, những kỳ họp QH gần đây, có thể thấy sau mỗi chuyên đề giám sát thường có một sáng kiến lập pháp hay sự ra đời của một đạo luật. Giám sát về tình hình thực thi chính sách pháp luật liên quan đến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mới cho kết quả bước đầu, nhưng đã cho thấy một số vướng mắc về chính sách, pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung...?

CN Trương Thị Mai: Giám sát của QH, các cơ quan của QH chủ yếu là giám sát việc thực thi chính sách pháp luật trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Giám sát suy cho cùng là nhằm để QH, UBTVQH, các UB của QH đánh giá về tình hình thực thi chính sách pháp luật. Từ đó, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến lập pháp nhằm sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách để pháp luật đi vào cuộc sống hoặc ban hành, bổ sung cơ chế để pháp luật vận hành tốt hơn.

PV: Giám sát suy cho cùng là nhằm để QH, UBTVQH, các UB của QH đánh giá về tình hình thực thi chính sách pháp luật. Nhưng, rõ ràng, nếu kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách, pháp luật xuất phát từ cơ quan lập pháp sau hoạt động giám sát thì cơ quan thẩm tra dự thảo luật sẽ có thêm lợi thế khi tiến hành công tác thẩm tra dự án luật...?

CN Trương Thị Mai: Chắc chắn là thế. Giám sát và lập pháp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Những Kỳ họp QH gần đây có thể thấy, hầu như tất cả các báo cáo thẩm tra trên nhiều lĩnh vực trình QH đều liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật. Trong đó, có những sáng kiến lập pháp hoặc dự thảo luật xuất phát từ kiến nghị của các UB của QH sau khi tiến hành hoạt động giám sát. Từ hoạt động giám sát đề xuất sáng kiến lập pháp hoặc ban hành một đạo luật làm cho Báo cáo thẩm tra của các UB mang được hơi thở cuộc sống, hơi thở thực tiễn. Hiện thực cuộc sống cộng với những kiến nghị chính sách ở tầm vĩ mô sẽ mang đến một cái nhìn toàn diện, đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn về một vấn đề được đặt lên bàn nghị sự. Ví dụ như hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà UB Về các vấn đề xã hội đang triển khai. Mới chỉ là kết quả bước đầu, nhưng UB đã phát hiện ra những điểm hạn chế, tồn tại trong cơ chế, chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện... Kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điểm hạn chế, tồn tại đó hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách, bảo đảm tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người lao động là một trong những kết quả thiết thực mà UB mong muốn đạt tới khi thực hiện hoạt động giám sát này. UB Về các vấn đề xã hội cũng dự kiến năm tới sẽ kiến nghị với QH hoặc UBTVQH cho phép thực hiện giám sát chuyên đề 3 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Những thông tin thu được từ các đợt giám sát, khảo sát tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ là căn cứ để UB kiến nghị, tham mưu cho QH hoàn thiện chính sách pháp luật, góp phần xây dựng mục tiêu chiến lược đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong mục tiêu chiến lược phát triển KT - XH chung của đất nước giai đoạn 2011 - 2020.

PV: Xin cám ơn Chủ nhiệm!

 

T. Bình thực hiện

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác