Nhìn chung các ý kiến đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu của Chính phủ và cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình của Chính phủ và ý kiến của cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ nhiều nội trong Nghị quyết trình Quốc hội, đảm bảo tính khả thi sau này, trong đó cần ghi rõ trách nhiệm của bộ ngành, chính quyền địa phương và cả nhà giáo; quan tâm vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; thận trọng trong lộ trình thực hiện để đảm bảo tính định hướng trong giáo dục.
Nội dung phải phù hợp với đối tượng học sinh
Về đổi mới nội dung giáo dục, theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận trình bày, Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và sự phát triển năng lực của đội ngũ giáo viên; chuẩn hoá dần cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của trường phổ thông.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trình bày Tờ trình
Cùng với đó, nội dung giáo dục phải phù hợp với đối tượng học sinh và thời lượng dạy học: ở cấp tiểu học, học cả ngày ở trường nhưng có hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện dạy học một buổi trong ngày; ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, học một buổi trong ngày nhưng có hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục có điều kiện dạy học hai buổi trong ngày.
Liên quan quy định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn về việc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và ăn khớp: Tôi chưa hiểu mình nói thế này rồi làm thế nào? Điều kiện các nơi khác nhau, trình độ thầy trò và cơ sở khác nhau, vậy thống nhất chương trình ra sao? Linh hoạt vận dụng nơi 1 buổi, nơi 2 buổi thì cuối cùng thi cử thế nào? Do đó cần nghiên cứu quy định cụ thể”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, dựa trên mục tiêu, chuẩn và nội dung chương trình thống nhất toàn quốc, đảm bảo quyền linh hoạt của các địa phương và nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng chương trình giáo dục phổ thông trong đó có quy định chuẩn đầu ra, những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc (phần cứng) đồng thời dành thời lượng (khoảng 20%) để các địa phương (sở giáo dục và đào tạo) bổ sung những nội dung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương, các nhà trường được xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhất trí với hướng quy định này nhưng cần nghiên cứu về tỷ lệ thời lượng để vừa đảm bảo linh hoạt nhưng phản ánh thực tế giáo dục của địa phương.
Một chương trình, nhiều sách giáo khoa
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để sử dụng thống nhất trong toàn quốc.
Dựa trên chương trình thống nhất toàn quốc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ/cuốn sách giáo khoa khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy định về cấu trúc và tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định sách giáo khoa; ban hành quyết định công nhận các bộ/cuốn sách giáo khoa được phép lưu hành dựa trên kết quả của việc thẩm định.
Ngoài ra, đa dạng hoá các tài liệu dạy học; giáo viên và học sinh có thể vận dụng sách giáo khoa và tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt được mục tiêu và chuẩn chương trình.
Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị trong biên soạn sách giáo khoa phải thể hiện được nguyên lý giáo dục gia đình- nhà trường- xã hội: “Xã hội và nhà trường tốt mà gia đình không tốt thì dẫn đến sản phẩm giáo dục chưa chắc đã tốt. Cần nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu dạy người- dạy chữ.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị nghiên cứu cụ thể về biên soạn nhiều bộ sách và nên có bộ chuẩn thống nhất: “Quy định như thế này thì có thể nhiều trường không chọn Bộ sách của Bộ soạn thì tính sao, bao nhiêu tiền đổ vào đấy tính thế nào, do đó cần nghiên cứu thêm”.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ phân vân: “Nhiều bộ sách giáo khoa nhưng bộ nào được duyệt mới dạy, vậy tài liệu giáo dục khác có duyệt không? Chương trình được tổ chức biên soạn thế nào, ban hành ra sao, có gắn với nhà trường không vẫn chưa thấy nói. Tổ chức viết sách cũng thế, một ông có thể viết 7-8 bộ sách à? Khuyến khích nhưng khuyến khích thế nào, tài liệu giáo dục là thế nào? Tất cả đều phải có chuẩn mực, chứ không thể lỏng thế này được”.
Cho rằng Nghị quyết viết còn đơn giản, chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ để đảm bảo chất lượng giáo dục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thể hiện cụ thể, vì “không cẩn thận sẽ tạo ra sản phẩm giáo dục phong phú theo nghĩa tự do”.