Thông cáo phiên họp thứ 24 Ủy ban thường vụ Quốc hội

16/01/2014

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 01 năm 2013, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 24 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng..

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 01 năm 2013, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 24 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế: Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; quản lý, phân bổ và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế; giảm mức chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật; …

- Về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi): Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình;   độ tuổi kết hôn; giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn và việc chung sống giữa những người cùng giới tính;   chế định ly thân; mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; ...

- Về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: các vấn đề quá cảnh; người không quốc tịch; đơn phương miễn thị thực; thẩm quyền mời, bảo lãnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; khu vực hạn chế người nước ngoài tạm trú, đi lại; ...

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa: Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; quy hoạch và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa; đăng ký, đăng kiểm và điều kiện hoạt động của phương tiện giao thông đường thủy nội địa; thuyền viên và người lái phương tiện; cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa; …

- Về dự án Luật hải quan (sửa đổi): Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: địa bàn hoạt động hải quan; hệ thống tổ chức hải quan; trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan; thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; ...

- Về dự án Luật phá sản (sửa đổi): Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng, quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thẩm quyền của Tòa án; chế định Quản tài viên; thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, bù trừ nghĩa vụ; …

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7.

Luật tổ chức Quốc hội được Quốc hội khóa X thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001. Sau 12 năm thi hành, Luật tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, góp phần đưa hoạt động Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn. Thực tiễn thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như một một số quy định còn  chung chung, trùng lặp, chưa phù hợp với thực tiễn, hoặc chưa thống nhất với các luật khác. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành; thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp mới và phù hợp với thực tiễn đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh; tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; việc sửa đổi Nghị quyết 35/QH13/2012; việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; nhiệm vụ, quyền hạn và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; …

3. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của Quốc hội,  Nghị quyết về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ về giai đoạn 2014-2016 cho các dự án, công trình dở dang đã có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 nhưng còn thiếu vốn và cho ý kiến về dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Các bài viết khác