Dự án Luật Bưu chính được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông (năm 2002). Tính đến nay, sau 7 năm triển khai thực hiện, pháp luật về bưu chính đã bộc lộ nhiều hạn chế và chưa tách bạch rõ giữa lĩnh vực bưu chính và viễn thông. Các khái niệm và phạm vi dịch vụ bưu chính còn bị bó hẹp so với nhiều nước trên thế giới. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam trong quá trình hội nhập và thanh toán quốc tế các hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính. Tính minh bạch của pháp luật đối với hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính chưa thống nhất với các quy định về đầu tư ở các văn bản pháp luật chung khác.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, việc ban hành Luật Bưu chính là cần thiết nhằm phát huy tốt hơn nguồn lực trong lĩnh vực bưu chính, chuyển hóa các yêu cầu của WTO, Công ước của Tổ chức liên minh Bưu chính thế giới vào pháp luật trong nước, đáp ứng trình độ và xu hướng phát triển của ngành bưu chính Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Việc xác định rõ ranh giới điều chỉnh giữa lĩnh vực bưu chính và các lĩnh vực khác như viễn thông là hợp lý. Theo đó, lĩnh vực bưu chính chỉ bao gồm hoạt động bưu chính, chuyển phát thư từ, hàng hóa... mà không bao gồm các dịch vụ khác như dịch vụ tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền bưu điện hay phát hành báo chí. Một số đại biểu đề nghị, những nội dung liên quan đến việc cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người sử dụng dịch vụ bưu chính; dịch vụ bưu chính công ích; quản lý bưu chính... nên quy định cụ thể trong Luật, tránh tình trạng dành quá nhiều nội dung cho văn bản hướng dẫn thi hành luật hoặc “theo quy định của pháp luật”.
Dự án Luật Bưu chính dự kiến trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu sắp tới.