Các ý kiến tại Hội thảo nhận định: tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức dương nên tác động của suy thoái kinh tế với lao động, việc làm là không lớn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế không tạo ra được nhiều việc làm mới cho số lượng lao động bổ sung. Một phần đáng kể lao động di cư, lao động xuất khẩu... bị mất việc làm phải trở về nông thôn khiến áp lực giải quyết việc làm, giảm đói nghèo tăng. Các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ khu vực sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ việc làm nên tập trung vào một số ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của suy giảm kinh tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các giải pháp an sinh xã hội, cần tăng cường công tác thống kê lao động - việc làm; Xúc tiến nghiên cứu, hình thành mạng lưới an sinh xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm an sinh xã hội có thể tiếp cận với tất cả người dân.
Tại Hội thảo, Báo cáo ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến doanh nghiệp và người lao động; các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội trong thời kỳ suy thoái kinh tế; Ảnh hưởng của suy thoái đến việc làm... cũng được trình bày nhằm cung cấp cho ĐBQH thông tin về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới đến việc làm và đói nghèo, các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội.