Sáng 4/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2010.
Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật năm 2010; trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, đề nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan về xây dựng luật, pháp lệnh, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật và ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hôi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến, năm 2010 theo chương trình chính thức sẽ trình Quốc hội 24 dự án luật và cho ý kiến 22 dự án luật tại 2 kỳ họp thứ 7 và 8 (dự kiến lần lượt diễn ra vào tháng 5/2010 và tháng 10/2010).
Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với chương trình công tác này và đánh giá cao hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua. Thông qua được nhiều luật trong thời gian họp ngắn và các luật đều có chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến đề nghị nên đưa các luật, dự án luật có tính cấp thiết với cuộc sống để đưa ra bàn bạc, thảo luận, thông qua trong năm 2010, đồng thời cũng cần xem xét việc soạn thảo và trình dự thảo luật của một số bộ, ngành liên quan.
Không nên tái diễn tình trạng trình rồi lại rút…
Đánh giá về tình hình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, nhiều đại biểu cho rằng, “vẫn còn nhiều vấn đề”.
Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, tại kỳ họp này, Chính phủ xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra. Các Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã đưa vào chương trình kỳ họp thứ 5 nhưng Chính phủ lại xin rút lại trước khi diễn ra phiên thảo luận trên hội trường 2 ngày.
Theo đại biểu Võ Văn Đủ (đoàn Đắc Nông), sở dĩ có tình trạng xây dựng luật, pháp lệnh còn chậm, nay trình, mai rút là do ý thức chấp hành của một số cơ quan thuộc Chính phủ chưa nghiêm túc.
Theo đại biểu Hoàng Hồng Thái (đoàn Ninh Thuận) thì chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và trở thành Nghị quyết thì các cơ quan Chính phủ cần nghiêm túc tập trung thực hiện.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, đại biểu Trần Bá Thiều (đoàn Hải Phòng) cho rằng, cần triệt để khắc phục tính cục bộ trong xây dựng luật. Bởi thực tế hiện nay, ngành nào xây dựng luật thì giành lấy quyền kiểm soát lĩnh vực đó về ngành mình.
Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng, Quốc hội cần dứt khoát hơn với các cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh không để trình tình trạng “nay xin trình mai xin rút” như hiện nay.
Đất đai luôn nóng
Theo ý kiến của đa số đại biểu thì năm 2010 nên đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình làm việc chính thức. Đại biểu Hoàng Hồng Thái cho rằng, không có lý do gì mà chúng ta cứ khất lần việc sửa đổi, bổ sung luật này. Chính phủ sớm chỉ đạo các địa phương tổng kết việc thực hiện Luật Đất đai. Cần giải quyết những vướng mắc chứ không để đến kỳ họp Quốc hội khóa XIII.
Đại biểu Võ Văn Đủ cũng cho rằng: Khó thế nào thì các cơ quan chức năng cũng phải tìm cách tháo gỡ. Nếu cơ quan soạn thảo thấy khó quá thì kết hợp với nhiều cơ quan khác để giải quyết những bất hợp lý hiện nay.
Còn đại biểu Trần Bá Thiều (đoàn Hải Phòng) thì khẳng định: Nên cố gắng làm sớm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Ngân sách và 3 luật thuế “tạm hoãn” xem xét trong kỳ họp này. Kỳ tới, Quốc hội cần xem xét lại vì tính cấp bách của các luật này. Quốc hội bác 3 luật thuế này là vì qui trình xây dựng dự án, nhưng yêu cầu thực tiễn thì lại rất cần phải điều chỉnh.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm năm 2010 cần đưa dự án Luật bầu cử Hội đồng Nhân dân vào chương trình làm việc chính thức của Quốc hội. Bởi lẽ, đây là dự án luật phục vụ cho việc hoàn thiện bộ máy nhà nước cho nhiệm kỳ tới. Bầu cử hội đồng nhân dân các cấp sẽ diễn ra vào năm 2011, vì thế Luật này cần sớm được Quốc hội bàn bạc, thảo luận, hoàn thiện để thông qua./.