Tăng học phí phải giảm được các khoản thu khác

04/06/2009

Ngoài học phí, học sinh còn phải đóng góp nhiều khoản khác. Liệu tăng học phí thì ngành giáo dục có dám cam kết là sẽ không thu bất kỳ khoản phụ phí nào?…

Đây là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở tổ về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014, diễn ra sáng 3/6.

Nội dung được các đại biểu đề cập nhiều nhất trong đề án này là học phí và chất lượng giáo dục hiện nay.

Tăng học phí là cần thiết nhưng cần cân nhắc mức tăng

Theo Tờ trình của Chính phủ về đề án này, chế độ học phí được thực hiện từ năm 1998 (theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ), đến nay vẫn chưa thay đổi. Từ năm 2000 đến năm 2008, mức giá tiêu dùng đã tăng 1,84 lần.

Như vậy, với mức thu học phí như hiện nay thì giá trị thực tế của học phí so với năm 2000 chỉ còn 54%. Để học phí hiện nay tương đương giá trị 180.000 đồng/tháng năm 2000 thì mức thu học phí sẽ phải là 331.000 đồng/tháng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Cúc (đoàn TP. HCM) đưa ra con số nguồn thu của các trường học hiện nay: học phí 30.000 đồng/học sinh/tháng; tiền cơ sở vật chất là 30.000 đồng/hs/năm. Nhà nước trích từ ngân sách 22,23% cho giáo dục (trong số này đã phải sử dụng 80% cho lương giáo viên). Số tiền còn lại, nhà trường sử dụng cho việc mua vật tư, thiết bị dạy học, mua văn phòng phẩm, nâng cấp văn phòng... Thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh toàn diện, nhà trường phải tổ chức các hoạt động ngoại khoá, hướng nghiệp, đi thực tế... “Là hiệu trưởng, đáng lẽ tôi phải tập trung cho chuyên môn, nhưng nhiều lúc bị phân tâm vì phải tính toán, xoay sở cho các khoản chi” - đại biểu Thu Cúc nói. Để đáp ứng được chương trình giáo dục toàn diện, nhiều khi nhà trường phải xin phụ huynh học sinh hỗ trợ cho các hoạt động ngoại khoá. Đối với các trường khu vực nội thành thì việc hỗ trợ này không có nhiều khó khăn, nhưng với các trường ở khu vực nông thôn, vùng xa thì đây là việc rất khó thực hiện.

Theo Đề án, đối với giáo dục mầm non và phổ thông, học phí chỉ là sự đóng góp một phần của nhân dân vào chi phí học tập ở trường mà Nhà nước là nguồn chi chủ yếu. Học phí không phải là gánh nặng tài chính đối với gia đình mà luôn khả thi. Mức học phí cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên nguyên tắc học phí và các khoản chi cần thiết khác cho con em đi học không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình.

Theo đại biểu Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi), chúng ta cần phải cân nhắc kỹ mức học phí này. Bởi lẽ, Việ Nam vừa thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển, nhiều người dân và đồng bào khu vực miền núi, nông thôn chỉ đủ ăn.

Còn theo đại biểu Nguyễn Việt Dũng (đoàn TP.HCM) thì học phí trong giai đoạn hiện nay là sự chia sẻ giữa người dân với Nhà nước. Vấn đề là tăng bao nhiêu thì Bộ Giáo dục-Đào tạo phải tính toán thêm. Nếu cứ tính bình quân 6% thu nhập của hộ gia đình thì không công bằng. Có thể 6% của top giàu, thu nhập cao lại bằng 50% của top có thu nhập thấp. Bởi hiện nay, khoảng cách giàu – nghèo đã tăng lên rất nhiều.

Đưa ra lập luận tương tự, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) cho rằng, đề án này ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình trên cả nước. Cơ cấu chi tiêu trong một gia đình, nếu cứ thu 100 đồng chi 20 đồng cho ăn uống thì không vấn đề gì. Còn với gia đình phải chi tới 60 đồng cho chi tiêu, ăn uống thì đây là vấn đề lớn. Mà hiện nay, con số chi 60 đồng cho ăn uống ở nước ta chiếm tới trên 60%.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng cho biết, từ năm 1990-2008, đầu tư ngân sách cho giáo dục tăng 40 lần, trong khi GDP/đầu người tăng trưởng chưa đến 3 lần. Vấn đề là đầu tư đó có tương ứng với chất lượng giáo dục hay không và ngành giáo dục đã có rất nhiều khoản chi tiêu lãng phí. 

Quan tâm tới giáo viên

Theo đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP. HCM), chúng ta chưa thực hiện tốt chính sách với giáo viên. Điều này đã khiến nhiều người không muốn thi vào sư phạm. Vậy thì lúc nào mới có người tài cho sư phạm? Vào sư phạm phải là người giỏi nhất, khá nhất”. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cũng bày tỏ quan điểm không đồng ý thông qua đề án này.

Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, chúng ta phải tập trung nâng cao chất lượng trường công. Trường công phải là trụ cột của ngành giáo dục chứ không phải là các trường dân lập, bán công.

Không đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, đại biểu Huỳnh Thành Lập (đoàn TP. HCM) cho rằng, đúng là ngành giáo dục gần đây chậm đổi mới gây khó khăn cho giáo viên. Nhưng trong Đề án này đã đưa ra một số nội dung nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo cơ hội học tập cho nhiều đối tượng trong xã hội, đó là: Đề án vẫn ưu tiên ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở vùng khó khăn; miễn giảm học phí tiểu học cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình chính sách; giảm học phí cho gia đình cận nghèo; tiếp tục chính sách cho vay vốn học tập.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Dũng (đoàn TP.HCM), chính sách giáo dục của chúng ta hiện nay gây lãng phí rất lớn mà không đáp ứng được yêu cầu, chất lượng. Đại biểu đưa ra dẫn chứng về việc đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa. Bộ Giáo dục-Đào tạo đã tiêu tốn nhiều tiền của mà chỉ làm cho chương trình học nặng thêm (học sinh học tối ngày mà vẫn không hết được chương trình). Chương trình thiên về hướng đào tạo các nhà khoa học, hàn lâm, trong khi chỉ có khoảng 5% học sinh sau này theo con đường khoa học, còn lại 95% học sinh cần được đào tạo các kỹ năng vào đời. “Nếu với cách chi tiêu như hiện nay thì đóng bao nhiêu tiền cũng không đủ” - đại biểu Nguyễn Việt Dũng nói.

Một số đại biểu cho rằng, chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục cũng chưa được thực hiện tốt. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Cúc cho rằng: Nếu chúng ta miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm sẽ xảy ra nhiều bất hợp lý và bất công. Bởi hiện nay, nhiều em ra trường lại chuyển sang ngành khác chứ không theo ngạch sư phạm.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, điều chúng ta cần làm hiện nay cần có chế độ lương hấp dẫn với ngành sư phạm, mức lương khởi điểm cần cao hơn các ngành khác.

“Lương tháng của một giáo viên mới ra trường là 1,6 triệu đồng, trong khi đó lương của một tài xế của cơ quan tôi là 2,5 triệu đồng, chưa kể 3 triệu tiền thưởng” - đại biểu Nguyễn Đăng Trừng so sánh.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Cơ yếu./.

 

Vũ Hạnh – Bích Lan

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác