Ngày làm việc thứ 12, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Thảo luận các dự án Luật

03/06/2009

Ngày 2-6, buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu QH đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 Luật Nhà ở và Ðiều 121 Luật Ðất đai.

Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến tán thành chủ trương ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 Luật Nhà ở và Ðiều 121 Luật Ðất đai. Ðây là việc thể chế hóa chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, coi cộng đồng người Việt Nam cư trú ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và đáp ứng nguyện vọng của kiều bào ta ở nước ngoài, mong muốn được đóng góp nhiều cho đất nước. Làm tốt việc này cũng là để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường gắn bó giữa kiều bào ta ở nước ngoài với Tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các nhà đầu tư, các nhà khoa học, những người có công và người có tài năng đóng góp xây dựng đất nước. Việc mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng thời góp phần tạo môi trường đầu tư tốt hơn, khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam đóng góp xây dựng đất nước.

Ðại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) đề nghị nêu rõ hơn trong luật là người có quốc tịch Việt Nam, nhưng phải đủ 18 tuổi trở lên và có chứng minh khoản tiền mua nhà hợp pháp và chính đáng. Ðại biểu Ðinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng, mục tiêu của Luật Nhà ở có xác định các chính sách để phát triển nhà ở phải có các cơ chế để huy động tài chính cho sự phát triển nhà ở, nhằm đáp ứng yêu cầu của các tầng lớp dân cư trong nước. Do đó việc sửa đổi luật này góp phần huy động nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội, phục vụ  đông đảo nhân dân, giúp giải quyết được các vấn đề xã hội về nhà ở hiện nay. Một số đại biểu cho rằng, việc quy định mở rộng đối tượng sở hữu nhà như dự thảo luật cần  được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, có lộ trình cụ thể, trên cơ sở quy định chặt chẽ điều kiện được mua nhà ở và số lượng nhà được sở hữu, nhằm hạn chế sơ hở, tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn đối tượng mở rộng, trước mắt mới giải quyết được về mặt kinh tế, mà chưa lường hết được tác động xấu về mặt xã hội. Trong khi pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ. Với việc cho nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, sẽ làm xuất hiện một số trường hợp đầu cơ mua đi, bán lại nhà ở, nhằm kiếm lời, dẫn đến tác động không tốt đến nhu cầu thật sự về nhà ở của người nghèo, người có thu nhập thấp trong nước. Các đại biểu đề nghị cần tìm ra những giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế nói trên, đặc biệt QH cần có kế hoạch sớm thông qua Luật Thuế nhà đất để hạn chế tối đa việc đầu cơ mua đi, bán lại nhà ở như hiện nay.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, QH cho ý kiến vào một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, trong đó tập trung vào các nội dung bổ sung khái niệm "yếu tố gốc cấu thành di tích"; bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể; bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích... Hầu hết các đại biểu QH  phát biểu ý kiến đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa sau gần tám năm thực hiện là việc làm cần thiết, được đông đảo nhân dân và những người làm công tác bảo vệ di sản văn hóa quan tâm, mong đợi và đồng tình. Các đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm "yếu tố gốc cấu thành di tích", bởi nếu theo định nghĩa trong dự án Luật, "yếu tố gốc cấu thành di tích" là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ được hình thành từ đầu hoặc được bổ sung trong quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thì còn gì gọi là gốc. Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm "yếu tố gốc cấu thành di tích" bởi định nghĩa trong dự án Luật là rộng quá. Theo đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên), chỉ những yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ được hình thành từ đầu của di sản văn hóa mới được coi là "yếu tố gốc cấu thành di tích". Còn những yếu tố được bổ sung trong quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích không nên được coi là yếu tố gốc, đã là bổ sung thì sao còn gọi là gốc. Nếu quan niệm như vậy định nghĩa của luật sửa đổi, thì tất cả những yếu tố được bổ sung có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ bất kể thời gian đều được coi là yếu tố gốc cấu thành di tích. Như vậy quan niệm "yếu tố gốc cấu thành di tích" bao gồm cả yếu tố bổ sung trong quá trình tu sửa có thể sẽ làm tình trạng trên tiếp tục tái diễn và gia tăng hơn. Các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, Ðặng Huyền Thái (Hà Nội), Triệu Mùi Nái (Hà Giang) và một số đại biểu cho rằng, ở mỗi di tích trong quá trình lịch sử đều bảo lưu những nét văn hóa của từng thời kỳ, có di tích thể hiện yếu tố tiêu biểu đặc trưng của một thời kỳ, cũng có di tích thể hiện yếu tố tiêu biểu của nhiều thời kỳ, mà công tác bảo tồn cần  giữ lại tối đa những yếu tố tiêu biểu và đặc trưng đó. Các đại biểu đề nghị thể hiện nội dung trên theo hướng "Yếu tố gốc cấu thành di tích là những yếu tố tiêu biểu, đặc trưng của di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh được hình thành từ đầu hoặc bổ sung trong quá trình tu bổ phục hồi". Một số đại biểu cho rằng, các quy định về chức năng của bảo tàng còn thiếu, không chỉ có chức năng bảo quản và trưng bày, bảo tàng hiện nay còn có chức năng giáo dục không chính thức và giáo dục suốt đời mà đối tượng là tất cả mọi người. Ðó là một chức năng đặc biệt và ưu việt của bảo tàng. Ðại biểu Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) cho rằng, bảo tàng là một thiết chế văn hóa, có đối tượng rộng, phản ánh về thiên nhiên, con người và nhiều vấn đề xã hội khác. Vì vậy định nghĩa về bảo tàng là nơi trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội là chưa đầy đủ. Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nội dung trên để bổ sung cho đầy đủ và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ðề cập điều 48 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của bảo tàng. Theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc), đối tượng của bảo tàng hiện nay rộng hơn, khái niệm các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội cần có cái nhìn đương đại. Ðề nghị sửa phần đầu của điều 47 trở thành "Bảo tàng là cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục, có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu các di sản vật thể và phi vật thể cùng các bằng chứng thiên nhiên, môi trường của con người nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu học tập và hưởng thụ văn hóa của quần chúng". Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) đề nghị quy định rõ việc nghiêm cấm các hành vi xâm hại di tích đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng. Ðề nghị bổ sung một điều về quy hoạch khảo cổ học để chủ động trong quy hoạch xây dựng, tránh xung đột trong quá trình xây dựng các công trình kinh tế xã hội, phát triển đất nước việc bảo tồn di sản văn hóa. Ðề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật trách nhiệm của các bộ, Chủ tịch UBND các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Cần sớm khảo sát, kiểm kê, công nhận các di tích văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao trách nhiệm mỗi cá nhân trong tham gia bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. 

Cuối phiên họp chiều, QH đã nghe Chính phủ báo cáo về kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

 

VĂN CHÚC và LÊ HOÀNG

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác