Quốc hội thảo luận việc mở rộng đối tượng kiều bào được mua nhà: Lo tác động đến thị trường bất động sản

03/06/2009

Sáng nay, 2-6, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai, nhiều ĐBQH đồng tình về việc mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số ĐBQH lo lắng nếu không quản lý tốt, quy định này sẽ gây tác động đến thị trường bất động sản.

Cần dự báo số lượng người về nước mua nhà

Theo dự thảo luật, sẽ bổ sung thêm ba nhóm đối tượng Việt kiều được mua nhà so với quy định hiện hành, đó là:“người có quốc tịch Việt Nam”, “người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt” và “người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước”.

Theo ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Phước), việc mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà ở Việt Nam là thực thi sự thống nhất chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Chính sách này sẽ tạo điều kiện để bà con kiều bào gắn bó hơn với quê hương và thuận lợi khi về Việt Nam làm ăn, sinh sống, đồng thời tạo tâm lý yên tâm để họ về đầu tư kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lo lắng: “Như vậy có mở rộng quá không, khi mà chính sách pháp luật của ta còn chưa đồng bộ, trình độ quản lý còn bất cập. Mặt khác, chúng ta cũng chưa lường hết được những tác động xấu về mặt xã hội của chính sách này”.

Theo ông Vinh, cần có những giải pháp hạn chế thấp nhất những tác động xấu trước khi thông qua luật. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng tỏ ra không yên tâm: “Chính phủ cho rằng việc thông qua luật này sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến thị trường nhà ở trong nước. Như thế rõ ràng là có ảnh hưởng, dù không nhiều. Cần làm rõ ảnh hưởng đó là xấu hay tốt. Muốn vậy, phải dự báo được nếu mở rộng đối tượng như dự luật thì sẽ có bao nhiêu người về nước mua nhà, ảnh hưởng thế nào?”.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nhận xét, luật mới tính đến khía cạnh kinh tế, chưa tính nhiều đến hoạt động xã hội. “Hiện nay cử tri đang bức xúc vì nhiều vấn đề trong Luật Đất đai không được sửa đổi sớm. Nếu chúng ta thông qua luật này trước, cử tri sẽ rất băn khoăn” – bà Dung nói và kiến nghị cần cân nhắc việc mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà, và phải có lộ trình cụ thể để thực hiện.

Chia sẻ những băn khoăn này, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) trấn an: “Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, nếu có mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà như dự thảo luật, thì cũng sẽ không có nhiều người mua”.

Ông Lịch phân tích: với thời gian cư trú ngắn, chi phí mà Việt kiều được mua nhà bỏ ra để bảo trì, bảo dưỡng còn lớn hơn là đi… thuê khách sạn để ở. Trên thực tế, nếu không mở rộng, với những người có nhu cầu thực sự, họ sẽ phải “lách luật” để mua nhà. Cụ thể là có nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhờ người thân, bạn bè mua và đứng tên hộ quyền sở hữu nhà ở hoặc mua bán trao tay, không làm các thủ tục theo quy định, nên vừa ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước từ các giao dịch về nhà ở, vừa là nguyên nhân làm phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở giữa các bên. 

Bảo đảm quyền lợi người có nhu cầu mua nhà thực sự

Theo dự thảo luật, người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng Việt kiều được mua nhà mới được bổ sung, nếu “được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam”.

Nhiều ĐBQH cho rằng, quy định như vậy là hợp lý, vì hiện nay việc cấp thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài với thời hạn 3 tháng và được phép gia hạn. Hơn nữa, quy định hiện hành không thật phù hợp trong hoàn cảnh mới, với nguyện vọng mới. Đồng thời, quy định như vậy thể hiện được quan điểm của Nhà nước ta là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được phép sử dụng nhà để ở, không được dùng để kinh doanh, buôn bán.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) băn khoăn: liệu thực sự những người mua nhà có cư trú liên tục 3 tháng không? Ông Hồng cho rằng, cần bổ sung thêm nội dung là những đối tượng này phải “cư trú thực tế 3 tháng” thì mới được mua nhà. Như vậy, mới bảo đảm quyền lợi của những người có nhu cầu mua nhà thực sự.

Liên quan đến quyền của Việt kiều được phép mua nhà, ĐB Trần Du Lịch đồng tình rằng việc hạn chế một số quyền là nhằm bảo đảm nguyên tắc Việt kiều được mua nhà để ở, chứ không phải là kinh doanh. Tuy nhiên, ông Lịch đề nghị: “Họ mua nhà ở hợp pháp mà không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là quá vô lý. Cần phải bổ sung thêm quyền này cho Việt kiều”.

 

HÀM YÊN

(http://www.sggp.org.vn/)

Các bài viết khác