Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Hầu hết các ý kiến phát biểu khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án luật này. Tuy nhiên, thảo luận những vấn đề cụ thể, các đại biểu QH có những ý kiến và đề xuất khác nhau.
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, Khoản 1 Ðiều 154 quy định một trong những điều kiện để được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải là "doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ có tư cách pháp lý độc lập, được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Việt Nam". Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc việc sửa đổi, bổ sung Ðiều này vì theo quy định hiện hành của Luật Sở hữu trí tuệ "doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động hợp pháp" là phù hợp mà không cần thiết phải bổ sung nội dung "có tư cách pháp lý độc lập". Tuy nhiên, các đại biểu QH Nguyễn Danh (Gia Lai), Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh), Ðặng Vũ Minh (Tây Ninh) cùng nhiều đại biểu khác cho rằng, dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp không nằm trong cam kết mở cửa khi nước ta gia nhập WTO, cho nên ta có quyền lựa chọn giải pháp bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và thị trường trong nước. Nếu cho phép các chi nhánh, văn phòng đại diện là những tổ chức không đủ tư cách pháp lý, độc lập đứng ra là đại diện để quyết định những tài sản lớn của doanh nghiệp, nếu xảy ra sai sót, thiệt hại lớn thì các chi nhánh, văn phòng đại diện này không đủ khả năng pháp lý để giải quyết. Vì vậy, việc bổ sung như dự thảo là hợp lý và cần thiết.
Khoản 2 Ðiều 119 của dự thảo Luật dự kiến kéo dài thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp từ mười hai tháng lên mười tám tháng đối với sáng chế; từ sáu tháng lên chín tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kể từ ngày công bố đơn... đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu QH. Ðại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam), Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh) và một số đại biểu khác tán thành quy định của dự thảo Luật, vì cho rằng, thời hạn thẩm định đơn đăng ký sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cơ sở vật chất - kỹ thuật, nguồn nhân lực, trình tự, thủ tục xử lý đơn... Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có xu hướng gia tăng. Hiện nay, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bó hẹp trong phạm vi cá nhân, tổ chức của Việt Nam mà còn mở rộng đến đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài. Vì vậy, cần điều chỉnh hợp lý các quy định của pháp luật về thời hạn thẩm định đơn để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa bảo đảm tính khả thi.
Chưa thống nhất với quan điểm này, các đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cùng một số đại biểu khác lại đề nghị không tăng thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vì không phù hợp với tình hình thực tế nước ta, làm giảm chất lượng công cuộc cải cách thủ tục hành chính, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu, phân cấp thẩm quyền xử lý cho các địa phương. Chẳng hạn, việc thẩm định về hình thức để giảm áp lực trong việc xử lý đơn của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở T.Ư. Việc không tăng thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ làm cho các sáng chế, phát minh sớm được đưa vào áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, bảo hộ kịp thời quyền của chủ sở hữu và phù hợp với xu hướng cải cách hành chính cũng như thông lệ quốc tế.
Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan (Ðiều 27 và Ðiều 34), theo quy định của Luật hiện hành, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là 50 năm. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng dự kiến xác định các thời hạn này là 75 năm. Về vấn đề này, các đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội), Phan Trung Lý (Nghệ An), Dương Kim Anh (Trà Vinh) cùng nhiều đại biểu khác đề nghị cân nhắc việc sửa đổi thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ 50 năm lên 75 năm. Bởi vì, vấn đề này vừa được Quốc hội thảo luận, quyết định vào năm 2005. Hơn nữa, Công ước Berne và một số điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên cũng xác định thời hạn bảo hộ quyền tác giả tối thiểu là 50 năm. Việc kéo dài thời hạn bảo hộ sẽ hạn chế khả năng khai thác giá trị của tác phẩm cho công tác nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và phổ biến rộng rãi tác phẩm trong công chúng. Ðồng thời, cũng chưa tính đến sự cân bằng lợi ích giữa tác giả, công chúng thụ hưởng và Nhà nước.
Nhiều đại biểu QH nhất trí với chủ trương không nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tham gia hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Bởi vì, làm như vậy sẽ không bảo đảm sự khách quan, độc lập của hoạt động giám định, nhất là trong lúc cơ quan này đang quá tải trong việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Việc giám định về sở hữu trí tuệ phải được coi là một dịch vụ, do vậy cần nghiên cứu để xã hội hóa hoạt động này. Về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Ðiều 26 và Ðiều 33), nhiều đại biểu đề nghị việc phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng vì mục đích thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan theo thỏa thuận. Trường hợp phát sóng không vì mục đích thương mại thì việc trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu cần có sự phân loại giữa quyền tác giả, quyền liên quan giữa các tác phẩm có nguồn gốc hình thành khác nhau, trong đó có những tác phẩm được hình thành có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Ðồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể.
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Người cao tuổi. Phần lớn ý kiến của các đại biểu QH đều tán thành về sự cần thiết ban hành luật này, một mặt, thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình của Nhà nước, cộng đồng xã hội, và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tham gia đúng sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cộng đồng xã hội phát triển lành mạnh, tổ chức hội hoạt động có hiệu quả. Các đại biểu QH tán thành những quyền của người cao tuổi được quy định ở Ðiều 4, nhưng ở phần nghĩa vụ, có ý kiến nhấn mạnh rằng, người cao tuổi là những người đã hoàn thành cơ bản nghĩa vụ của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, hoặc nói rộng ra là với đất nước, thì không nên quy định quá nhiều về trách nhiệm, nghĩa vụ, mà chỉ nên quy định người cao tuổi cần sống có ích, làm gương về mọi mặt cho cộng đồng xã hội và con cháu noi theo. Nhiều ý kiến lưu ý, Nhà nước và cộng đồng xã hội cần tạo các điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi trong việc khám bệnh, chữa bệnh, giải trí, đi lại, đọc sách báo, rèn luyện, chơi thể thao một cách phù hợp... Các ý kiến thảo luận tán thành quy định ở Ðiều 6 giao trách nhiệm chủ yếu phụng dưỡng người cao tuổi cho gia đình của người cao tuổi; cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, và các tổ chức khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi. Có ý kiến tán thành quy định người cao tuổi có quyền "quyết định sống chung với con cháu hoặc sống riêng theo ý muốn". Nhiều ý kiến tán thành Ðiều 16 và Ðiều 17 quy định người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa, mắc bệnh hiểm nghèo và một số hoàn cảnh khó khăn đặc biệt khác, được hưởng bảo trợ xã hội của Nhà nước, thông qua trợ cấp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế... Có ý kiến đề nghị, Nhà nước nên xây dựng, và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, tổ chức các lễ mừng thọ cho người cao tuổi, tặng lụa, tặng quà thể hiện sự kính trọng của cộng đồng, của con cháu đối với người cao tuổi. Nhiều ý kiến đại biểu QH cũng tán thành quy định "người cao tuổi được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, trình độ nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò của người cao tuổi", được "hưởng ưu đãi về vốn, đất đai và thuế theo quy định của pháp luật" khi tham gia sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ được giảm phí, giảm giá vé khi tham gia các hoạt động dịch vụ của Nhà nước và xã hội. Việc giao trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi cho một số bộ, ngành (được quy định ở các điều 27, 28 và 29 của dự thảo luật) thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình rất cao của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy khả năng của người cao tuổi trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.