Báo cáo thẩm tra Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 khẳng định như vậy.
Sáng nay (30/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường. Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày Tờ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014; nghe Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án này.
Tăng học phí là cần thiết
Tờ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trình bày nêu rõ, trong khi nền kinh tế nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường được hơn 20 năm, đã hình thành các cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày một tăng thì cơ chế tài chính của giáo dục thực tế vẫn chưa có thay đổi về chất so với thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp. Việc quản lý ngân sách giáo dục thực tế rất phân tán: các địa phương quản lý 74% ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục hàng năm, các Bộ, ngành khác 21%, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 5%. Các địa phương và các Bộ, ngành khác không có báo cáo về tình hình và hiệu quả sử dụng ngân sách giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ điều kiện để đánh giá hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho giáo dục trong toàn quốc.
Chế độ học phí được thực hiện từ năm 1998, đến nay vẫn chưa thay đổi. Mức học phí quá thấp, dưới khả năng chi trả của người dân ở các vùng đô thị, không phù hợp với mặt bằng giá cả cùng với chính sách cải cách tiền lương trong những năm qua. Trong khi từ năm 2000 đến năm 2008, mức giá tiêu dùng đã tăng 1,84 lần. Như vậy, với mức thu học phí như hiện nay thì giá trị thực tế của học phí so với năm 2000 chỉ còn 54%. Ví dụ, mức học phí của giáo dục đại học hiện nay là 180.000 đồng/tháng, nhưng giá trị thực tế so với mặt bằng giá năm 2000 chỉ còn 98.000 đồng/tháng. Để học phí hiện nay tương đương giá trị 180.000 đồng/tháng năm 2000 thì mức thu học phí sẽ phải là 331.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ, một số chính sách về miễn, giảm học phí và học bổng hiện nay đã thể hiện là không còn hợp lý. Các cơ sở giáo dục và đào tạo phải tự thực hiện việc miễn, giảm học phí mà lẽ ra, đây là trách nhiệm của Nhà nước về chính sách xã hội. Việc miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm mà không gắn với việc sau khi ra trường có việc làm trong hệ thống giáo dục hay không là chưa hợp lý. Thiếu cơ chế hỗ trợ học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc địa bàn của chương trình 135.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong nhiều nội dung mới của cơ chế tài chính giáo dục, cần chọn một số nội dung thực hiện trước. Nội dung đổi mới toàn diện về học phí nên thực hiện từ năm 2010 - 2011 để có điều kiện chuẩn bị đồng bộ về ngân sách Nhà nước và các quy định, hướng dẫn khác cho việc triển khai. Trước mắt, năm học 2009 - 2010 có phương án tăng học phí đào tạo có tính quá độ, để khắc phục một phần bất hợp lý hiện nay, trước khi năm học 2010 - 2011 triển khai toàn diện phương án học phí và hỗ trợ người học mới.
Báo cáo thẩm tra Đề án của Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đa số các thành viên đều nhất trí với đề án, Đề án được xây dựng công phu, có căn cứ khoa học và thực tiễn, tiếp cận vấn đề một cách hệ thống và đưa ra những ý tưởng, cách thức mới trong việc đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên tắc xác định học phí
Theo Đề án, đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông) học phí không là gánh nặng tài chính đối với gia đình người học, mà luôn khả thi. Điều này được bảo đảm khi học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Học phí đối với giáo dục nghề nghiệp từ bậc sơ cấp đến bậc trung cấp, cao đẳng và đại học thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa nhà nước và người học, học phí phải đảm bảo bù đắp chi phí tiền lương, từng bước đảm bảo chi thường xuyên tối thiểu của các nhóm ngành đào tạo. Đây là yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá X), về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Theo nguyên tắc trên, học phí bình quân của các tỉnh cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập ở các tỉnh trong cả nước đã được trình bày ở Đề án. Với các hộ dân có thu nhập rất thấp, nếu 6% thu nhập chưa bảo đảm chi đủ cho các nhu cầu như dụng cụ học tập, sách giáo khoa, quần áo đồng phục, đi lại tối thiểu... thì được Nhà nước hỗ trợ thêm, ngoài việc miễn học phí.
Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra đề án của Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của hội do Chủ nhiệm Đào Trọng Thi trình bày nêu rõ: ở nhóm các nước mới phát triển, học phí và các chi phí học tập cần thiết khác chiếm từ 1,9 đến 7,95% thu nhập bình quân của hộ gia đình; còn ở các nước phát triển, con số này là từ 2% đến 10% (theo số liệu khảo sát của Bộ GD-ĐT); Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển và trở thành nước đang phát triển trung bình có mức thu nhập thấp, mà áp dụng mức 6% là mức chi trả khá cao trong tương quan so sánh chung và không phù hợp với thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay, khi đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn.
8 nội dung đổi mới cơ chế tài chính giáo dục
* Đổi mới phương thức xây dựng và giao kế hoạch ngân sách, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước cho các mục tiêu của giáo dục.
* Xác định trách nhiệm và quyền hạn hợp lý của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương trong việc lập và thực hiện kế hoạch ngân sách giáo dục.
* Xây dựng cơ chế thích hợp để huy động các nguồn lực cho giáo dục
* Đổi mới chính sách học phí và hỗ trợ người học
* Chính sách đối với giáo viên
* Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong quản lý tài chính
* Giám sát tài chính giáo dục
* Xác định học phí và hỗ trợ của nhà nước và địa phương
Các trường phổ thông chuyên là cơ sở giáo dục để đào tạo nhân tài của các địa phương. Các trường được đầu tư cao từ ngân sách và vận động xã hội tài trợ để các em có điều kiện học tập, rèn luyện đặc biệt tốt. Mức học phí ở các trường phổ thông chuyên thực hiện theo quy định chung của địa phương, không cao hơn các trường phổ thông đại trà khác trên địa bàn.
Các trường dân tộc nội trú được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoàn toàn chi phí hoạt động, người học không phải đóng học phí.
Học phí đại học của các nhóm ngành đào tạo đại trà riêng năm học 2009 - 2010, trong khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề án từ năm 2010 - 2014, học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000. Theo đó học phí đại học tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 255.000 đồng/tháng, học phí học nghề tăng từ 120.000 đồng/tháng lên 170.000 đồng/tháng.
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập và của nhà đầu tư nước ngoài được tự quyết định mức thu học phí, nhưng phải thực hiện 3 công khai: chất lượng đào tạo, nguồn lực đào tạo (giáo viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học…) và tài chính, đóng thuế theo quy định của Nhà nước.
Đề án đề xuất thay đổi chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng chính sách tín dụng sinh viên và thời gian phục vụ trong ngành của sinh viên sau khi tốt nghiệp tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo để được xóa nợ cả gốc và lãi phần vay để đóng học phí.
Theo Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm hiện nay chưa phát huy được tác dụng: rất nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không phục vụ trong ngành Giáo dục nhưng chưa có cơ chế buộc họ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. Bởi vậy, đề xuất như trên của Đề án là giải pháp hợp lý.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra các dự án Luật: Luật người cao tuổi, Luật Cơ yếu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường./.