Mở đầu phiên làm việc ngày 13.5, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến đối với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự và giải quyết các vụ việc dân sự cho Tòa án nhân dân cấp huyện.
Thực hiện các Nghị quyết của QH về việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2004 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005, tính đến nay, đã có 606 Tòa án nhân dân cấp huyện, 17 Tòa án quân sự khu vực được UBTVQH quyết định giao thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự; đã có 606 Tòa án nhân dân cấp huyện được giao thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự. Thực tế cho thấy, chất lượng xét xử và giải quyết các vụ án hình sự và dân sự của các tòa án bảo đảm. Hiện nay, vẫn còn 82 Tòa án nhân dân cấp huyện chưa được UBTVQH giao thẩm quyền xét xử mới. Theo giải trình của Tòa án nhân dân tối cao, hầu hết các tòa án này là những đơn vị mới được chia tách, thành lập trong thời gian gần đây nên còn khó khăn về đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, một số đơn vị thì thiếu nguồn bổ nhiệm chức danh tư pháp... Để bảo đảm lộ trình mà QH, UBTVQH đã đề ra là “chậm nhất đến ngày 1.7.2009 tất cả các Tòa án nhân dân cấp huyện đều thống nhất thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự”, sáng qua Tòa án nhân dân tối cao đã trình để UBTVQH quyết định danh sách 82 Tòa án nhân dân cấp huyện đủ điều kiện thực hiện thẩm quyền mới. Theo Tòa án nhân dân tối cao, mặc dù trong số 82 tòa án được đề nghị tăng thẩm quyền trong đợt này vẫn còn một số đơn vị có khó khăn, chưa thực sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đề ra. Nhưng về cơ bản, các cơ quan tư pháp ở những địa phương này có thể khắc phục được những khó khăn trước mắt. Liên ngành tư pháp Trung ương sẽ tiếp tục tăng cường năng lực về đội ngũ cán bộ và điều kiện cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp cấp huyện.
Các ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự và các vụ việc dân sự cho 82 Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên, UB Tư pháp đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao cần có giải pháp để mỗi Tòa án nhân dân cấp huyện phải có ít nhất 3 thẩm phán, bảo đảm chất lượng xét xử các vụ án hình sự và giải quyết các vụ việc dân sự. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao để bổ sung đủ số lượng, bảo đảm chất lượng Điều tra viên, Chấp hành viên và đội ngũ cán bộ làm công tác bổ trợ tư pháp cho các đơn vị cấp huyện được đề nghị tăng thẩm quyền xét xử.
Các Ủy viên UBTVQH đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự cho 82 Tòa án nhân nhân cấp huyện.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Đề án Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn từ năm 2008 - 2012.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã đọc Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Theo Tờ trình, dự án Luật là sáng kiến lập pháp của QH trên cơ sở kết quả giám sát hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản của UBTVQH (Kết quả giám sát đã được báo cáo QH Khóa XII tại Kỳ họp thứ Tư). Dự thảo của Luật này có 6 điều. Phạm vi sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản- được ban hành sẽ hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản; Góp phần cải thiện môi trường đầu tư; Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Việc xây dựng và ban hành luật này cũng nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc và bức xúc của các nhà đầu tư về trình tự, thủ tục đầu tư; Giải quyết về cơ bản những chồng chéo, không nhất quán trong hệ thống luật pháp về đầu tư xây dựng cơ bản; Góp phần thực hiện tốt các cam kết quốc tế, làm minh bạch hóa trong quản lý đầu tư, tạo điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, vấn đề bức xúc nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay là tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước chậm. Hàng năm, số vốn xây dựng cơ bản không giải ngân được phải chuyển sang năm sau là rất lớn. Mà một trong những nguyên nhân chính là do thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vướng mắc, rườm rà. Để giải quyết những vướng mắc và bức xúc này, thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục; Đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, UB Kinh tế tán thành sửa đổi Điều 40 của Luật Xây dựng theo hướng phân cấp cho chủ đầu tư được phép tự quyết định điều chỉnh dự án, trừ một số nội dung quan trọng phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định. Tuy nhiên, dự thảo Luật không phân biệt điều kiện và thủ tục điều chỉnh giữa dự án sử dụng vốn nhà nước và các nguồn vốn khác. Do đó, cần quy định việc điều chỉnh, thẩm định nội dung điều chỉnh dự án sử dụng vốn nhà nước với dự án sử dụng nguồn vốn tư nhân. Bên cạnh đó, cần làm rõ trường hợp do biến động bất thường của giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, tỷ giá hối đoái hoặc do Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách mới thì có được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cơ bản hay không?
Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ- sửa đổi, bổ sung Điều 20 của Luật Đấu thầu liên quan đến chỉ định thầu. Do trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu nhằm linh hoạt hơn hoạt động chỉ định thầu. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba, cần xác định rõ các gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia, cấp bách trong Luật để thống nhất cách hiểu, tránh việc mỗi địa phương, công trình thực hiện theo các cách khác nhau. Đồng thời, quy định chặt chẽ mức giá trị gói thầu được áp dụng chỉ định thầu. Bởi quy định chỉ định thầu quá rộng rãi dễ tạo cơ chế xin cho, lạm dụng chỉ định thầu. Cũng cần làm rõ quy định nhà thầu khi tham gia đấu thầu phải độc lập về tổ chức, không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý là không cùng một Bộ hay không cùng một UBND cấp tỉnh hay không cùng một tập đoàn?
Tờ trình về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn từ năm 2008 – 2012 do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày, đã đề cập tới sự cần thiết đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục. Đó là nền kinh tế đã chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hơn 20 năm nhưng cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo vẫn chưa thay đổi về chất so với thời kỳ bao cấp. Việc quản lý ngân sách giáo dục rất phân tán. Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước chưa thay đổi, trong khi đó trong vòng chưa đầy 10 năm, mức giá tiêu dùng đã tăng 1,62 lần. Đề án cơ chế tài chính mới cho giáo dục và đào tạo được xây dựng nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng, tăng quy mô giáo dục. Cơ chế tài chính mới sẽ xác định nhu cầu tài chính cho các mục tiêu giáo dục; Quy định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý trong việc lập và thực hiện kế hoạch ngân sách cho giáo dục và đào tạo; Quy định về nguyên tắc xác định mức học phí cho các bậc học; Các cơ chế và chính sách khuyến khích xã hội đầu tư cho giáo dục...
Trình bày ý kiến của Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhất trí với mục tiêu của Đề án là xây dựng cơ chế tài chính mới để tiến tới ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng cao. Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là đề xuất thay đổi chính sách học phí. Học phí là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, có tác động lớn đến đời sống xã hội. Trong khi mức sống của nhân dân ta chưa cao, xã hội còn quen với cơ chế bao cấp trong giáo dục thì việc tăng học phí có thể sẽ chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội. Đề án xác định, mức học phí và các chi phí học tập cần thiết khác của một gia đình có 2 con đi học không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho rằng, 6% là mức chi trả khá cao trong nhóm các nước mới phát triển. Tại các nước phát triển mức chi trả học phí chiếm từ 2 - 10% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Như vậy, đối với nước ta, nếu lấy con số 6% sẽ là quá cao, vì thực tế đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và rất khó khăn. Trong khi đó, Đề án chưa đề cập đến học bổng khuyến khích cho những học sinh, sinh viên giỏi, có triển vọng- đây là một giải pháp quan trong và hữu hiệu nhằm tạo động lực cho học sinh phấn đấu học tập tốt, góp phần thực hiện chính sách phát triển nhân tài.