Phiên họp thứ Mười chín của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

21/04/2009

Quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP đã có chuyển biến, nhưng phần lớn mới giải quyết được các vấn đề bức xúc và chủ yếu là xử lý hậu quả... - Dự án Luật Viễn thông: Cần bao quát, sâu sắc và cụ thể hơn - Thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư công trình Thủy điện Sơn La

Sáng 20.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và Dự án Luật Viễn thông.

 

Thay mặt Đoàn giám sát của UBTVQH, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP). Báo cáo nêu rõ: công tác quản lý nhà nước về VSATTP trong 5 năm 2004 – 2008 đã đạt được những kết quả đáng kể. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP được ban hành với số lượng lớn tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng VSATTP từ trang trại đến bàn ăn và bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về VSATTP. Tuy nhiên, việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật với hiệu lực pháp lý khác nhau đã tạo nên sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bỏ sót một số lĩnh vực... Công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP tuy đã có chuyển biến nhưng mới chỉ tập trung giải quyết được các vấn đề bức xúc, chủ yếu là xử lý hậu quả... Đoàn giám sát của UBTVQH kiến nghị với QH sớm ban hành Luật An toàn thực phẩm để điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, Luật này phải tập trung làm rõ 4 vấn đề: cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ chế phối hợp trong công tác quản lý chất lượng VSATTP; chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe. Đồng thời xem xét, bổ sung, sửa đổi một số luật khác để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả trong việc quản lý VSATTP. QH nên giao cho Chính phủ xem xét, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý thực phẩm theo hướng có một cơ quan đầu mối, đủ thẩm quyền để thống nhất quản lý nhà nước về VSATTP.

 

Đa số các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng có chung nhận định, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP tương đối nhiều, hiệu quả pháp lý có khác nhau nên dẫn đến việc chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho việc thực hiện. Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhẹ, mới mang tính chất răn đe, chưa có biện pháp xử lý đủ mạnh. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng chỉ rõ, ý thức về việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về VSATTP chưa được quan tâm một cách đầy đủ, và không phải người dân không nhận thức được sự nguy hại của thực phẩm kém chất lượng đối với cộng đồng, mà nhiều người dân đã vì lợi ích của mình mà bất chấp đời sống của người khác. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, Báo cáo giám sát chưa tìm ra được khâu đột phá để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cần đưa ra được một lộ trình mang tính chất chiến lược lâu dài để bảo đảm sức khỏe của người dân. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu làm rõ, hiện có 41 văn bản quy phạm pháp luật đang có quy định chồng chéo, mâu thuẫn; Phải chỉ rõ mâu thuẫn, chồng chéo là ở chỗ nào, trách nhiệm của ai, của Trung ương hay của địa phương.

 

Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP sẽ được trình QH tại Kỳ họp thứ Năm sắp tới.

 

Tiếp đó, UBTVQH đã nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Viễn thông. Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Viễn thông được xây dựng trên nguyên tắc hoàn thiện pháp luật về viễn thông, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, khả thi của các quy định pháp luật trong lĩnh vực này; Thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia viễn thông trong môi trường công bằng, văn minh theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Mở rộng hợp tác quốc tế về viễn thông trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

 

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Viễn thông do Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày về cơ bản tán thành với các nguyên tắc xây dựng dự thảo Luật Viễn thông và cho rằng, dự thảo Luật cần phải thể hiện rõ, bao quát, cụ thể, sâu sắc hơn một số quan điểm, mục tiêu xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia; chính sách quản lý tài nguyên viễn thông quốc gia. Dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể về nguồn lực, tài chính và trang thiết bị... để thu hút và bảo đảm nguồn lực quản lý về hoạt động viễn thông.

 

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Viễn thông, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng cần phân định rõ hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật viễn thông với cơ quan hoạch định chính sách viễn thông. Về thanh tra viễn thông, đa số các Ủy viên UBTVQH cho rằng, Luật cần quy định rõ chức năng thanh tra chuyên ngành về viễn thông, bổ sung quy định chi tiết về nội dung thanh tra trong lĩnh vực viễn thông. Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, đây là nguồn quỹ ở ngoài nguồn vốn ngân sách để phát triển viễn thông ở những nơi khó khăn, tuy nhiên cần ghi rõ nguồn vốn này là ở đâu ra, là do đóng góp của tổ chức đơn vị, cá nhân nào...

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát Việc thực hiện di dân, tái định cư Công trình Thủy điện Sơn La.

 

Giám sát về việc thực hiện di dân, tái định cư Công trình Thủy điện Sơn La- là giám sát chuyên đề của UBTVQH. Đoàn giám sát đã Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này để UBTVQH cho ý kiến ngay sau khi khai mạc Phiên họp thứ Mười chín. Tại Phiên họp cuối buổi chiều 20.4, các Ủy viên UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về Kết quả giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư Công trình Thủy điện Sơn La. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ: UBTVQH biểu dương đồng bào các dân tộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã đoàn kết, ủng hộ và tích cực thực hiện di dân tái định cư phục vụ cho việc xây dựng Công trình Thủy điện Sơn La. UBTVQH ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực toàn diện, vượt qua khó khăn, đề cao tránh nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. UBTVQH yêu cầu Chính phủ, các bộ ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình giải quyết đầy đủ, đúng đối tượng, đúng mục đích và kịp thời trong thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tái định cư sớm ổn định đời sống và sản xuất. Tổ chức thi công xây dựng các công trình tái định cư bảo đảm chất lượng cao nhất; Phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý sử dụng các nguồn vốn tái định cư. Các cơ quan chức năng của Trung ương giúp các địa phương vừa xây dựng các phương án phát triển sản xuất trước mắt, vừa xây dựng chính sách đặc thù, tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện, bền vững cho các xã có điểm tái định cư và các hộ tái định cư trong nhiều năm sau tái định cư...

Lâm Hiển

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác