Luật Cơ quan đại diện - Bước cải cách lớn

18/04/2009

Sáng 17/4, tại phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hầu hết các đại biểu đánh giá dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã đi trúng vấn đề, việc ban hành dự án luật lần này có bước đổi mới, đánh dấu bước cải cách lớn về tổ chức bộ máy nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Luật Cơ quan đại diện) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 lần và trình ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp hơn. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến 2 vấn đề là tổ chức bộ máy và biên chế (Điều 14) và việc sử dụng kinh phí thường xuyên, đặc thù (Điều 15).

Hầu hết các đại biểu đều tán thành với phương án của Ban soạn thảo. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nhận xét việc xây dựng Luật này là bước cải cách rất quan trọng trong việc chuẩn bị, tổ chức lại các cơ quan đại diện ở nước ngoài theo tinh thần đổi mới của Đảng, Nhà nước; hiệu quả cao mà lại tránh gây lãng phí, tốn kém.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Quang Xuân cho rằng quá trình soạn thảo Luật đã gắn chặt với các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế; tạo điều kiện cho đại sứ quán phối hợp với các cơ quan phát triển tốt hơn quan hệ với nước sở tại.

Về kinh phí hoạt động của cơ quan đại diện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự toán chi tiêu hàng năm, trên cơ sở dự toán sẽ phân bổ kinh phí. Thực hiện theo hướng này vừa thuận tiện, nhanh nhóng hơn trong quá trình hoạt động, bảo đảm các quy định của pháp luật vừa lại công khai, minh bạch, tránh nhiều đầu mối.

Tán thành với quan điểm trên song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu băn khoăn có cần đưa vào trong dự án Luật này của Quốc hội quy định cụ thể về nhiều loại khi phí khác nhau không đồng thời góp ý kiến chỉ nên ghi là "kinh phí hoạt động của cơ quan đại diện được ngân sách nhà nước bảo đảm'' là đủ.

Cũng trong buổi sáng nay, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến đóng góp vào Luật Bồi thường nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án này tại kỳ hợp thứ 4 (tháng 11/2008)./.

 

(http://vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác