(VOV)_ Sau hơn 1 tháng thực hiện quyết liệt, đồng bộ một loạt các giải pháp kiềm chế lạm phát với sự đồng thuận cao của toàn xã hội, thị trường hàng hoá và dịch vụ đã có những phản ứng tích cực, cho dù thách thức ở phía trước vẫn còn rất lớn.
Biểu hiện dễ thấy là chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 đã tăng chậm lại và giảm xuống còn 2,99% sau khi tăng “nóng” trong tháng 2. Đây được coi là thành công bước đầu của việc áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, trong đó thắt chặt tiền tệ là biện pháp chủ chốt. Sang tháng 4, nhiều mặt hàng đã bắt đầu giảm giá sau một thời gian dài biến động mạnh, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như: Vật liệu xây dựng, phân bón, xăng dầu, lương thực-thực phẩm và vé tàu.
Đến thời điểm này, giá lương thực, thực phẩm tại hai thành phố có sức tiêu thụ hàng hoá lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu giảm so với thời điểm cuối tháng 3. Với đà tiến triển tích cực này, cộng với cam kết giữ nguyên hoặc giảm giá bán trong quý tới của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 được dự báo sẽ thấp hơn tháng 3.
** Triển khai thực hiện việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định dành một khoản ngân sách 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhằm giảm giá bán sản phẩm và hàng hoá thiết yếu 5-10% so với giá thị trường.
Ngoài ra, một quỹ bình ổn giá cũng đã được khẩn trương thành lập để hỗ trợ các doanh nghiệp tạo nguồn hàng và bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Quỹ này sẽ cho vay xoay vòng không tính lãi suất 6 tháng/lần, tập trung vào các mặt hàng thịt lợn, bò, gia cầm, trứng, thuỷ sản, rau, củ, quả, gạo theo phương thức đặt hàng cho nông dân hoặc tổ chức mua hàng tận nơi sản xuất về chế biến với giá cung ứng thấp hơn giá thị trường