(VOV)_ Hôm nay (20/3), Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm thành lập 11 đoàn đi kiểm tra dịch cúm tại các địa phương. Đích thân Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu 1 đoàn đi kiểm tra tại 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Theo ông Bùi Quang Anh, tại huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) và Gio Linh (Quảng Trị), mặc dù số lượng vịt không nhiều, nhưng năm nào cũng xảy ra dịch.
Đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái xuất hiện tại 10 tỉnh ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Theo Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh, đặc điểm của các ổ dịch xảy ra lần này chủ yếu là do chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, mỗi ổ chỉ khoảng 10-100 con, số ổ dịch làm chết nhiều gia cầm rất ít. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, những ổ dịch chúng ta phát hiện ra chưa phản ánh hết tình hình dịch bệnh, vì vẫn còn có tình trạng gia cầm chết rải rác ở trong dân, nhưng chưa được phát hiện.
Theo ông Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, về cơ bản, virus H5N1 có thể gây bệnh cho 11/27 loài cầm như: bồ câu, đại bàng, diều hâu, kền kền, chim sáo, voọc… Đối với động vật có vú, virus H5N1 cũng có thể lây sang hổ (ở Thái Lan), báo, mèo (ở Hà Lan). Trong trường hợp gây bệnh nhân tạo thì cáo ở rừng, chuột, lợn đều có thể bị nhiễm H5N1, nhưng không có khả năng lây lan, tức là gây bệnh cho con nào thì con đấy bị. Vì thế, việc vừa qua loại virus này lây sang cầy vằn ở vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương là chuyện bình thường. Liên quan đến thông tin này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngay khi nhận được thông tin, ông đã phê bình Giám đốc VQG Cúc Phương vì không báo cáo thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh. Cục Thú y đã tiến hành lấy mẫu xung quanh môi trưởng ở VQG Cúc Phương, nhưng chưa phát hiện ra mầm bệnh virus, nên chưa biết được nguyên nhân truyền bệnh virus vào là từ đâu.
Nhận định về tình hình dịch bệnh hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, thậm chí có nguy cơ xấu đi. Theo ông Phát, nguyên nhân tái xuất hiện dịch cúm gia cầm không phải do thiếu các biện pháp phòng chống mà vì các địa phương buông lỏng, uể oải trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Thực tế, nhiều biện pháp hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm (vệ sinh, tiêu độc khử trùng; quy hoạch chăn nuôi và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; quy hoạch khu buôn bán, giết mổ gia cầm; kiểm soát ấp nở con giống...) đã được đưa ra, nhưng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “dường như những nỗ lực phòng, chống dịch của chúng ta vẫn chưa đủ mức cần thiết so với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay”. “Chúng ta không thể bắt cả một đất nước suốt ngày cứ lo gà, vịt bị cúm. Một năm 365 ngày thì có tới hơn 50 ngày Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ngồi chỉ đạo chống dịch thì còn làm ăn gì” - Bộ trưởng Cao Đức Phát, đặt vấn đề.
Theo ông Phát, để chống dịch, chúng ta vừa làm biện pháp trước mắt, vừa phải lo chuyện lâu dài. Đó là: Phải tổ chức lại hệ thống chăn nuôi, tức là thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, phải chuyển sang chăn nuôi tập trung, an toàn hơn và đặc biệt kiểm soát về chăn nuôi thuỷ cầm mà Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định; Phải tăng cường năng lực của hệ thống thú y để họ có đủ năng lực và với tinh thần trách nhiệm cao để liên tục hoạt động, liên tục hướng dẫn và giúp nhân dân phòng chống và khi có sự cố thì tự xử lý được, không cần Bộ trưởng ra lệnh, chỉ đạo; Phải có một cơ chế chính sách phù hợp để vừa khuyến khích nhân dân tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống, đồng thời cũng phải đảm bảo việc thực thi luật pháp một cách nghiêm túc, giữ kỷ cương phép nước./.