(VOV)_ Trả lời phỏng vấn VOVNews bên lề hội thảo “Công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu Việt Nam” vừa diễn ra sáng nay (12/3) tại Hà Nội, ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) thừa nhận, hiện ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam mới đạt đến trình độ gia công vỏ tàu do chúng ta vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị… Mở rộng và đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để có thép cho đóng tàu cũng như cung ứng các động cơ tàu thuỷ công suất lớn, lắp ráp và sản xuất các trang thiết bị động lực…, phấn đấu tỷ lệ nội địa hoá 50-60% vào năm 2010 là mục tiêu mà Vinashin đang hướng tới.
Ông Phạm Thanh Bình cũng cho biết, về phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu, hiện nay Vinashin đang xây dựng nhà máy liên hợp thép ở Yên Bái để sản xuất phôi thép. Trong kế hoạch lâu dài, Vinashin đang đàm phán liên doanh với tập đoàn xây dựng Posco (Hàn Quốc) và một đối tác ở Malaysia để sản xuất tất cả các loại thép cho ngành đóng tàu. Dự kiến khoảng 5 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động về thép cho không chỉ ngành đóng tàu mà còn cho cả các ngành, lĩnh vực khác. Ngoài ra, hiện Vinashin đang xây dựng các loại công nghiệp phụ trợ khác như công nghiệp sản xuất cần cẩu, lắp hầm hàng, cửa tàu thuỷ, nội thất tàu thuỷ, các loại máy neo, máy lái, bảng điện, bơm, van…; mua lại công nghệ tiên tiến của thế giới để sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu cho ngành đóng tàu trong nước, tiến tới hướng xuất khẩu sản phẩm ra cả thị trường nước ngoài.
Hội thảo “Công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Vietship 2008. Khoảng gần 100 đại biểu là các chuyên gia, kỹ sư, nhà quản lý cao cấp…, ở trong nước và quốc tế, đã cùng nhau thảo luận, giới thiệu những giải pháp, công nghệ tiên tiến có thể ứng dụng phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu Việt Nam.
Theo ông Lê Lộc - Tổng Giám đốc đầu tư Vinashin, ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam hiện đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thử thách. Để ngành đóng tàu Việt Nam có thể tiếp tục và tăng khả năng cạnh tranh, việc xây dựng nền móng cho các ngành công nghiệp phụ trợ cần được xem xét nghiêm túc và kỹ lưỡng có xét đến những kinh nghiệm đi trước của Nhật Bản và Hàn Quốc, và hiện là Trung Quốc. Tuy nhiên, với xu hướng thị trường đóng tàu thế giới đang có những dấu hiệu của một thời kỳ phát triển chậm như hiện nay, Việt Nam cần có những đánh giá xác đáng để đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ có mang lại hiệu quả tích cực./.