Nông dân vui
(VOV)_ Theo nhận xét của quan chức nhiều tỉnh ĐBSCL, mặc dù vài địa phương bị rầy nâu gây hại, nhưng nhìn chung vụ đông xuân năm nay, ĐBSCL được mùa, năng suất lúa đạt bình quân từ 7-7,5 tấn/ha. Điều mà nông dân phấn khởi hơn là giá lúa đông xuân rất cao và gần như tăng từng ngày. Ông Nguyễn Văn ở xã Hoà Bình (Tam Nông, Đồng Tháp) phấn khởi cho biết: “Vụ này gia đình gieo sạ 4 ha lúa, năng suất đạt 7 tấn/ha, thu hoạch vừa xong thương lái đến mua lúa ngay tại ruộng, trả tiền cái rụp. Sướng lắm! Với giá lúa 4.400 đ/kg, trừ hết mọi khoản chi phí, tui lời gần 80 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Vụ này nông dân trúng dậm”! Ông Văn cười hể hả!
Đã lâu rồi mới nhìn thấy nông dân ĐBSCL nở một nụ cười trọn vẹn sau mùa lúa, nét lo âu, mệt mỏi của những ngày làm lụng vất vả đã không còn vương vấn trên khuôn mặt sạm nắng. Theo bà con nông dân ở huyện Thốt Nốt, một trong những trung tâm xay xát lớn ở ĐBSCL, từ sau Tết Nguyên đán (12/2/2008) đến nay, giá lúa tăng từng ngày. Một nông dân ở Châu Phú (An Giang) bán lúa với giá 4.400 đ/kg cho hay: “Biết rằng giá lúa sẽ còn tiếp tục lên, nhưng thu hoạch xong không bán không được bởi còn phải trang trải mọi chi phí, tiền nợ ngân hàng, nợ vật thư thúc bách sau lưng. Do vậy, không thể giữ lúa lại”(!)
Tháng 3, mùa thu hoạch rộ lúa đông xuân, dọc theo những cánh đồng lúa mênh mông ở ĐBSCL, ghe mua lúa chạy nườm nượp trên sông rạch. Hễ nơi nào nghe có tiếng máy tuốt lúa là ghe mua lúa tìm đến tận nơi. Chưa có năm nào thương lái tìm ra tận ruộng “săn” lúa như năm nay. Nông dân vui hơn bởi lúa khô, lúa ướt, lúa bẩn hay sạch đều được mua tất. Một thương lái ở Thốt Nốt (Cần Thơ) cho hay: Hiện tại, muốn mua được lúa phải nâng giá lên và thường xuyên “sắn” lúa tại đồng, tại ruộng để nông dân thu hoạch xong lúa là mua ngay. Nếu chậm chân là người khác phỗng tay trên (!) Do tranh nhau mua lúa nên nhiều nơi thương lái sẵn sàng rút hầu bao “mua lúa non với giá cao”. Một kiểu mua – bán lúa chưa từng xảy ra ở ĐBSCL trong những năm qua.
Hiện nay, dù lúa đông xuân ở ĐBSCL được mùa và đang ở những ngày thu hoạch rộ, nhưng do nhu cầu mua để xuất khẩu quá cao nên giá lúa gạo ở thị trường trong nước cũng “nhảy múa” theo. Cuối tháng 2, giá gạo thường, loại rẻ nhất ở TP. Hồ Chí Minh, đã lên tới 6.700 đ/kg; gạo thường tại vựa lúa An Giang từ 6.200-6.700 đ/kg. Với tình hình cung không đủ cầu trên thị trường thế giới hiện nay, cộng thêm các tỉnh miền Bắc và Bắc miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt rét vừa qua, vụ đông xuân chưa mấy khả quan nên nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời gian tới, nhiều khả năng, giá lúa gạo trong nước còn tiếp tục bị “phá”!
Doanh nghiệp… buồn
Ngay từ sau vụ hè thu năm ngoái, giá lúa đã bắt đầu nóng lên. Các doanh nghiệp chuyên doanh lúa gạo ở ĐBSCL cũng tiên liệu được phần nào giá lúa gạo xuất khẩu khó bề sụt giảm nên đã sớm vào cuộc. Nhưng, sang năm 2008, mới làm được vài lô hàng đã thấy “chỏng vó”, vì giá lúa gạo nguyên liệu cứ thẳng tiến. Thông lệ, khi lúa đông xuân thu hoạch rộ, giá lúa có thể chững lại hoặc giảm.
Năm nay mới vào vụ đã thấy khó đoán, càng vào vụ giá lúa càng cao. Giá lúa tăng kéo theo giá gạo nguyên liệu xuất khẩu tăng. Chỉ khoảng gần một tháng từ Tết Nguyên đán đến nay, giá gạo nguyên liệu nhảy từ 4.800 đ/kg lên 5.700 đ/kg. Các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới. Ông Trương Văn Anh, Giám đốc Công ty Lương thực Long An, cho biết: Kế hoạch Công ty xuất 200.000 tấn gạo trong năm nay, nhưng đến bây giờ mới mua vào được 20.000 tấn. Giá lúa gạo cao nên muốn mua vào cũng không phải dễ”.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho hay: “Nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới năm nay tăng cao, trong khi những nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… dự kiến giảm lượng xuất khẩu. Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp không nên vội vàng ký hợp đồng giá thấp gây thiệt hại; nhất là khi chưa mua được gạo thì không nên ký”. Ông Anh thừa nhận một thực tế: “Hồi đầu năm, giá gạo ở mức 355-385 USD/tấn, nay vượt mức 400 USD/tấn nên ký hợp đồng sớm doanh nghiệp sẽ lỗ”.
Đúng như ông Anh nói, một số doanh nghiệp hiện nay đang nóng ruột trước tình hình giá gạo xuất khẩu tăng lên từng ngày. Đó là những doanh nghiệp đã trúng thầu hợp đồng xuất khẩu 410.000 tấn gạo vào ngày 21/12/2007. Theo hợp đồng, lô gạo này được giao từ tháng 1 đến tháng 3/2008, với mức giá 372 USD/tấn (FOB). Lúc ký xong hợp đồng, các doanh nghiệp hồ hởi tưởng là “thắng”. Nhưng, đến bây giờ, rõ ràng với hợp đồng đó, các doanh nghiệp phải chịu “thua” (trừ một ít doanh nghiệp sớm giao được hàng từ tháng 1 vừa qua).
Song song với nhu cầu xuất khẩu gạo cung không đủ cầu, tác động từ xăng dầu tăng giá kéo theo chi phí sản xuất chế biến gạo, cộng với chi phí vận chuyển cũng tăng từ 65 đ/kg lên 75-80 đ/kg. Rồi, lãi suất ngân hàng tăng từ 0,9 lên 1,4-1,6% và phải là doanh nghiệp có uy tín mới được vay và phải vay theo lãi suất thoả thuận… Tất cả làm cho gạo xuất khẩu đã “nóng” lại thêm “sốt”, doanh nghiệp khó bề xoay xở (!)./.