Năm bản lề 2008 cần sức mạnh tổng lực

07/02/2008

Các quyết định đưa ra trong năm 2008 sẽ ảnh hưởng tới nhiều năm tiếp sau đó. Chính vì thế, các Bộ, ngành đã đề ra kế hoạch khá kỹ lưỡng, sát sao, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng và sự minh bạch của nền kinh tế…

** Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Tài chính phải là công cụ kiểm soát hữu hiệu nền kinh tế

 

Năm 2008, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế nước ta phải đạt mức tăng GDP 9,5%/năm, vì vậy nhiệm vụ của ngành Tài chính là cùng với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải tận dụng tốt thời cơ, biến thách thức thành cơ hội. Hiện nay chúng ta có nhiều cơ hội, nền kinh tế đang phát triển vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh và hàng triệu hộ kinh doanh đang có chung mục tiêu phát triển. Việc huy động nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế trong nước và thị trường quốc tế rất thuận lợi, tạo điều kiện cho đất nước phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

 

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh

Trọng tâm của ngành tài chính các cấp là phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu – chi ngân sách nhà nước (thu cân đối NSNN 323.000 tỷ đồng, tăng 12,2% so năm trước; chi NSNN 398.980 tỷ đồng, tăng 11,6%).

 

Đi liền với đó, phải phấn đấu quyết liệt với nhiều biện pháp, nhằm kiểm soát chỉ số tăng giá tiêu dùng ở mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, trong chỉ đạo điều hành cần đẩy nhanh tốc độ cải cách đối với khu vực sự nghiệp công lập, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, thúc đẩy xã hội hoá, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển xã hội. Hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính liên quan tới đất đai, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng. Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN, các tổng công ty lớn, các ngân hàng thương mại nhà nước. Bám sát quá trình triển khai các cam kết quốc tế về thuế, hải quan, dịch vụ tài chính với các tổ chức như: WTO, ASEAN, APEC...

 

Huy động được nguồn lực tài chính đã khó, nhưng sử dụng nguồn lực đó một cách hiệu quả đang là trọng trách với cả hệ thống tài chính nói chung và mỗi cán bộ, công chức tài chính nói riêng. Do đó, ngành Tài chính luôn phải ý thức và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế.

 

Năm 2008, ngành Tài chính quyết tâm thực hiện cải các hành chính, tăng cường kỷ cương kỷ luật trong ngành với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân, nhưng vẫn phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh tế tài chính, từng bước góp phần tạo nền tảng tài chính đất nước trong sạch - vững mạnh, đảm bảo tài chính là công cụ kiểm soát hữu hiệu nền kinh tế.

 

** Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc:Tăng trưởng kinh tế chất lượng, bền vững gắn với cải thiện đời sống nhân dân 

Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc

Năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006-2010, mục tiêu đặt ra cho nền kinh tế phải đạt tốc độ tăng trưởng cao, chất lượng, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, từng sản phẩm, doanh nghiệp nói riêng. Phấn đấu vượt ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp. Nhiệm vụ đặt ra sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; chủ động thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quản các vấn đề bức xúc, tai nạn, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy nhà nước.

 

Để đạt được mục tiêu đó, cần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của các thành phần kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế theo hướng rà soát các chính sách, quy định về thuế trên cơ sở cam kết quốc tế đã ký kết. Dành ưu tiên vốn NSNN xây dựng các công trình hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, các dự án có khả năng thu hồi thì chuyển sang vốn tín dụng, chú trọng xây dựng công trình y tế, giao dục, văn hoá xã hội. Tập trung thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về thương mại, đầu tư, dịch vụ và các lĩnh vực khác, trước hết là các cam kết trong khuôn khổ WTO, AFTA, APEC, các cam kết song và đa phương. Tạo bước đột phá về nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực, tạo thành yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư và trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

 

** Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Sẽ đổi mới công tác thanh tra, thiết lập trật tự kỷ cương xã hội

 

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền

Năm 2008, công tác thanh tra sẽ được đổi mới mạnh theo hướng phân cấp, phân định trách nhiệm, thẩm quyền, tiến hành chủ động và đồng bộ các hoạt động thanh tra, trong đó chú trọng tới các lĩnh vực: quản lý, xử dụng đất đai, thực hiện các dự án lớn, các chương trình quốc gia, lĩnh vực thuế và công tác cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Thúc đẩy thanh tra trách nhiệm các Bộ, ngành và địa phương; có kế hoạch triển khai các cuộc thanh tra lớn ngay từ đầu năm, trong mỗi cuộc thanh tra phải xác định rõ trọng tâm, những vấn đề chủ yếu để tập trung chỉ đạo, đảm bảo kết thúc gọn, kết luận chính xác. Tổ chức các đoàn thanh tra một cách khoa học, có thành phần, số lượng hợp lý, chỉ đạo điều hành chặt chẽ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thúc đẩy, đảm bảo hoạt động thanh tra đúng pháp luật. Mặt khác, ngành cũng sẽ chấn chỉnh, đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, kịp thời giải quyết các vụ khiếu kiện đông người; giải quyết cơ bản các vụ khiếu kiện tồn đọng kéo dài, chấn chỉnh công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, nắm tình hình chặt chẽ, kịp thời, thống kê đầy đủ tình hình khiếu kiện ở mỗi địa bàn và trên phạm vi cả nước để đề xuất giải pháp cụ thể, thích hợp.

 

Đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai có hiệu quả các văn bản pháp quy đã ban hành với mục tiêu cụ thể chống tham nhũng đồng bộ hơn, hiệu quả hơn, kết quả rõ rệt hơn. Chú trọng thanh tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tạo ra cơ chế để cán bộ, đảng viên và dân phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ tổng hợp báo cáo, chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, dân chủ trong các hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời gắn với cải cách hành chính.

 

** Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu: Tập trung cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh 

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu

Trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh gay gắt, thì việc cải cách hành chính (CCHC) là khâu rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nói riêng, nền kinh tế nói chung. Bộ Công Thương có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN trên nhiều lĩnh vực, nên việc CCHC luôn đặt ra bức bách. Bộ nhận thức được rằng một cơ quan quản lý nhà nước làm việc mà không hướng đến phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và DN, thì đã không làm tốt CCHC. Cuối năm 2007, Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại hợp nhất thành Bộ Công Thương. Trước đó, nhiệm vụ CCHC của hai Bộ luôn được đặt lên hàng đầu và việc này tiếp tục được tập trung thực hiện kể từ khi hai bộ hợp nhất. Bộ đã áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000. Việc áp dụng hệ thống này đã giúp hợp lý hóa tất cả các công đoạn quản lý: Đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải tiến lề lối làm việc; phân công nhiệm vụ công khai... Qua đó sàng lọc được những cán bộ, công chức không đủ năng lực để tinh giảm biên chế, hoặc bố trí vào vị trí làm việc thích hợp... Kết quả CCHC trong năm qua còn tác động tích cực đến hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, điển hình là tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước... đều vượt kế hoạch đề ra. Mục tiêu tối thượng của CCHC là phục vụ hiệu quả người dân, DN. Lấy chất lượng phục vụ người dân, DN là tiêu chí đánh giá hiệu quả của nền hành chính hiện đại.

 

Thời gian tới, Bộ tiếp tục cải tiến việc thực hiện cơ chế "một cửa"; cải cách thể chế; đào tạo cán bộ... Đối với Bộ Công Thương, những thủ tục liên quan đến DN, người dân luôn được ưu tiên rà soát, để bổ sung, sửa đổi kịp thời. Cụ thể là các thủ tục xuất nhập khẩu, giấy phép hoạt động trong lĩnh vực điện lực, vật liệu nổ... Bộ luôn cải tiến quy trình cấp phép theo hướng thủ tục nào công khai lên mạng được thì đăng tải các loại biểu mẫu, để người dân, DN dễ dàng tải xuống kê khai. Đi liền với đó là tiếp tục rà soát để tăng phân cấp cho địa phương, tránh tình trạng một việc mà người dân, DN phải đến nhiều nơi, nhiều tầng nấc. Hiệu quả của CCHC phải được thể hiện ở việc người dân chỉ cần đến "một cửa" là có thể giải quyết được các thủ tục. Trong thẩm quyền của mình, Bộ Công Thương cũng chủ động ủy quyền cho các Cục, Vụ giải quyết việc cấp phép trong một số lĩnh vực. Thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện cơ chế, nhất là đề xuất Chính phủ kịp thời hoàn thiện các chính sách, nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, năng động.

 

** Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: Tăng cường kiểm tra đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; Phát hiện và xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông.

 

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng

Trọng tâm nhiệm vụ năm 2008 là tiếp tục tổ chức thực hiện, thực hiện quyết liệt Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, phải tiếp tục tạo cho được bước chuyển mới về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, như vậy mới có khả năng kiềm chế được tai nạn giao thông 2008. Tạo sự quan tâm về an toàn giao thông ở tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp. Các cán bộ cơ quan Nhà nước cần gương mẫu duy trì đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Ngành giao thông-vận tải sẽ tổ chức cuộc vận động “Văn hoá trong giao thông”, tập trung vào các chủ đề: Thực hiện nghiêm Nghị quyết 32/2007/NQ-CP; Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; Xây dựng hành lang bảo vệ công trình giao thông, vỉa vè cho người đi bộ; Đạo đức nghề nghiệp và lương tâm trách nhiệm người lái xe khách… Các lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông cần quán triệt trong toàn lực lược thái độ kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Ngành cũng triển khai các chiến dịch cao điểm về tuần tra kiểm soát, xử lý theo chuyên đề như vi phạm xe ô tô khách, vi phạm xe mô tô, xe ô tô chở quá tải, quá niên hạn sử dụng, đặc biệt phải kiên trì xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.

 

Tại các đô thị lớn, ngành giao thông nhanh cóng trang bị các thiết bị hiện đại giám sát giao thông (camera, thiết bị nghe nhìn, liên lạc, trung tâm điều khiển giao thông…). Đồng thời, ưu tiên cho việc phát hiện và xử lý “điểm đen” về tai nạn giao thông và lập lại trật tự hành lang bảo vệ công trình giao thông. Một khâu không kém phần quan trọng là khắc phục những thiếu sót trong công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm soát chất lượng sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô và chất lượng kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện./.

Vũ Hạnh

(http://www.vovnews.vn)