Nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp cho ý kiến về chương trình giám sát hôm qua (16/2) đề nghị nội dung giám sát cần thực chất, có trọng điểm, làm rõ trách nhiệm.
Làm rõ yếu kém, hạn chế
UBTVQH cho biết, đoàn giám sát do ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, làm trưởng ban, các thành viên gồm một số Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.
Đoàn giám sát còn có đại diện Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam và một số bộ, ngành.
Chương trình giám sát các tập đoàn kinh tế, Tổng Cty nhà nước sẽ đánh giá lại việc ban hành, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước ở các đơn vị này, đặc biệt nhấn mạnh cả những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo đó, sẽ xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các bộ, ngành; kiến nghị những giải pháp để thực hiện nghiêm, có hiệu quả hơn chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; kiến nghị bổ sung, điều chỉnh các chính sách liên quan.
Theo kế hoạch, đoàn giám sát sẽ tập trung khảo sát một số tập đoàn, Tổng Cty có tính điển hình đại diện tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh…
Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề lớn, như tổng số vốn và tài sản doanh nghiệp, cơ cấu nguồn vốn, cơ chế quản trị điều hành, cơ chế quản lý tài chính, cơ cấu đầu tư, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước, tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh, vấn đề chuyển đổi, sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp 100 phần trăm vốn nhà nước, phương hướng đổi mới quản lý nhà nước, quản trị điều hành đối với các đơn vị này trong thời gian tới.
Kết quả giám sát sẽ được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, tháng 10/2009.
Quy trách nhiệm
“Giám sát cần làm rõ xem việc chấp hành chính sách, pháp luật đúng hay không, sau đó phải quy rõ trách nhiệm, hoàn thiện các chính sách, pháp luật là hệ quả” – Ông Bùi Xuân Đức, Ban Dân chủ-Pháp luật – Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam phát biểu.
Theo ông Đức, chuyên đề giám sát phải căn cứ trên cơ sở đó là vấn đề đó có bị làm sai hay không. Cụ thể như các vấn đề về sử dụng nguồn vốn ra sao, có sử dụng, đầu tư sai mục đích không, có tình trạng lãi giả lỗ thật không?
Đây là những vấn đề phải tập trung làm rõ trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Người giám sát phải có chuyên môn để vấn cật, làm rõ các vấn đề đặt ra. Nếu chỉ đến để nghe báo cáo, hiệu quả không cao. Giám sát phải có nội dung rõ ràng, đi vào thực chất vấn đề”- Ông Đức đề nghị.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng cần tập trung vào một số vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm như vấn đề đầu tư ra ngoài ngành sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp, hiệu quả đầu tư đó ra sao.
Liên quan tới đất đai, tài sản gắn liền với đất, cần làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên & Môi trường, từ đó kiến nghị cơ chế, sửa đổi Luật Đất đai về những vấn đề liên quan tới doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đề nghị cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong việc giao đất cho các doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng diện tích đất rất lớn, tuy nhiên các cơ sở đảm bảo về quyền quản lý, sử dụng đó như thế nào chưa rõ ràng, nhiều khi thiếu căn cứ” – Ông Hải nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Đức Hiền cho rằng giám sát các tập đoàn, tổng công ty là một vấn đề rất lớn, sau khi giám sát, nên có một nghị quyết về vấn đề này.