Xét theo khu vực, tình hình giá cả tại thành thị bớt căng thẳng hơn so với nông thôn. CPI thành thị chỉ tăng 0,5% trong khi nông thôn tăng 0,6%. TP HCM tăng giá ít nhất, với tốc độ 0,19% trong khi Hà Nội tăng cao nhất, tới 0,86%.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, lương thực thực phẩm vẫn là nhóm có tốc độ tăng giá lớn nhất, dù đã giảm mạnh so với tháng trước. Tính chung, CPI của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%, trong đó lương thực tăng 0,86% và thực phẩm tăng 0,92%.
Hầu hết các nhóm còn lại trong rổ hàng hóa tính CPI đều có mức tăng giá từ 0,5% trở xuống. Cá biệt có nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Tuy tình hình giá cả đã dịu bớt so với tháng 7, tuy nhiên tính chung từ đầu năm tới nay CPI tăng 6,78% và so với cùng kỳ năm ngoái tăng 8,57%, vượt qua lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, vốn được duy trì ở mức 8,25% trong vòng hơn một năm nay.
Tiếp tục kiểm soát giá
Hôm 21/8, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt triển khai các biện pháp kiềm chế và giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính chủ động kiểm tra, kiểm soát việc thực thi các giải pháp giảm giá hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thuộc danh mục đã giảm thuế nhập khẩu. Hằng tuần, bộ phải báo cáo nhanh về diễn biến giá cả thị trường, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp bổ sung cần thiết để bảo đảm công tác điều hành giá đạt mục tiêu đề ra.
Bộ Công thương chỉ đạo Tổ điều hành thị trường trong nước, các cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về kinh doanh, về quản lý giá, về niêm yết giá, về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, chú trọng các mặt hàng đã được giảm thuế nhập khẩu.
Với Ngân hàng Nhà nước, ngoài các biện pháp điều hành tiền tệ như thường lệ, phải chủ động thực hiện các biện pháp bổ sung theo thẩm quyền để giảm lượng tiền trong lưu thông, góp phần giảm áp lực tăng giá thị trường.