Dự án Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia được khởi công từ năm 2003 theo chủ trương của QH Khóa XI, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012 với công suất lắp đặt máy 2.400MW. Đây cũng là dự án có quy mô số hộ dân phải di dời lên tới gần 20.000 hộ dân (khoảng 100.000 nhân khẩu), trong đó, có đến 94,4% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay sau khi QH phê chuẩn dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, Ban chỉ đạo dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La đã được thành lập, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Đến nay, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Ban chỉ đạo Nhà nước dự án thủy điện Sơn La, công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La đã cơ bản đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ ban đầu để phục vụ khởi công và ngăn sông; Đã hoàn thành di dân, giải phóng mặt bằng khu vực công trình và khu vực lòng hồ dưới cao độ 140m; Thống kê và lập phương án đền bù cho khoảng 22.838 hộ (gồm cả hộ di cư và hộ sở tại bị ảnh hưởng); Quy hoạch tổng thể 88 khu tái định cư với 282 điểm tái định cư tập trung nông thôn, đô thị và 23 xã với 60 bản đón dân tái định cư xen ghép, có khả năng tiếp nhận 20.958 hộ dân trên địa bàn 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu... Các Bộ, ngành cũng đã ban hành tương đối đồng bộ các cơ chế chính sách làm cơ sở triển khai thực hiện; Tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn giám sát, tiến độ triển khai thực hiện dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La vẫn rất chậm. Đáng chú ý là một số khu tái định cư tập trung và khu tái định cư xen kẽ vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cũng chưa tính đến các yếu tố văn hóa, tập quán sinh hoạt, sản xuất nên khi người dân chuyển đến thì điều kiện sống không được bảo đảm; Hạn điền quá ít trong khi tập quán và trình độ sản xuất còn thấp cũng khiến đời sống của người dân di cư gặp nhiều khó khăn. Trước phàn nàn của các Bộ, ngành về việc thực hiện di dân tái định cư còn nhiều lúng túng là do còn có những vướng mắc về cơ chế, chính sách, Đoàn giám sát thẳng thắn: Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành chưa làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước của mình; Khi phát hiện những vướng mắc về cơ chế, chính sách nhưng đã không kịp thời báo cáo Chính phủ và trình UBTVQH, QH xem xét, giải quyết.
Ngay sau cuộc làm việc với UB Dân tộc, các Bộ, ngành Trung ương và Ban chỉ đạo Nhà nước dự án Thủy điện Sơn La, từ ngày 10-16.2, Đoàn giám sát sẽ làm việc với các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu về tình hình thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La để trình UBTVQH xem xét trong Phiên họp gần nhất.