Tại Hội nghị, phần lớn các đại biểu đều nhấn mạnh vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội, thực sự là "cây cao bóng cả" cho lớp người đi sau. Người cao tuổi Việt Nam đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục con cháu, là nền tảng của gia đình, là tài sản vô giá, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của xã hội, được gia đình, Nhà nước và xã hội chăm sóc và kính trọng. Đóng góp ý kiến cho điều 12 về Uỷ nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi, một số đại biểu cho rằng, quy định như trong Dự thảo Luật “Uỷ nhiệm phụng dưỡng NCT” là không chính xác, mà thay vào đó bằng cụm từ “Uỷ quyền” và nên thêm 1 khoản nữa đó là “Việc ủy nhiệm phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn”. Hay tại Mục 3 về chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt là một chương quan trọng trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số quy định trong mục này còn chung chung, chưa rõ ràng. Cụ thể tại Khoản 2, Điều 17 quy định: Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn bao gồm cả đối tượng “tàn tật, không có khả năng phục vụ” là chưa rõ, mà nên quy định thêm những đối tượng này phải thuộc diện hộ nghèo.
Về công tác chăm sóc tinh thần, Dự thảo Luật cũng quy định có chính sách đối với người cao tuổi được miễn giảm giá vé khi tham gia giao thông, tuy nhiên, theo các đại biểu, Dự thảo Luật cũng nên nghiên cứu về nội dung này trong điều kiện nhiều doanh nghiệp đang tiến tới cổ phần hóa, mục tiêu lợi nhuận được đặt lên trên hết. Do vậy, việc quy định như trong Dự án Luật là rất khó thực hiện.
Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã góp ý cụ thể cho việc sử dụng từ ngữ trong Dự thảo Luật và nhấn mạnh tới việc phải xây dựng Luật thế nào để tránh việc Luật không phát huy được khi ban hành.