Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII: Thành công củng cố niềm tin

16/11/2008

(VOV) - Sau gần 26 ngày làm việc với tinh thần đổi mới và trách nhiệm cao trước cử tri, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII hoàn thành chương trình làm việc.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế thế giới, những quyết sách đúng đắn, kịp thời tại kỳ họp này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2008 và những năm tiếp theo. Nhưng điều quan trọng hơn là những quyết sách tại Nghị trường Quốc hội phải đuợc thể hiện bằng hiệu quả thực hiện trong thực tiễn. Làm được như thế, sẽ tiếp thêm niềm tin cho cử tri và nhân dân đối với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, càng thấy rõ hơn "Quốc hội ta đang đổi mới theo hướng thiết thực và hiệu quả".

 

Đổi mới từ phương thức đến nội dung

 

Đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp không phải bây giờ mới được thực hiện, nhưng tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII này, sự "đổi mới" ấy toàn diện hơn theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả.

 

Đổi mới được thể hiện từ khâu chuẩn bị, việc xem xét quyết định các vấn đề kinh tế xã hội; cách trình bày báo cáo, việc thảo luận thông qua dự án Luật và tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội tán thành cao việc không dành quá nhiều thời gian để các cơ quan chức năng trình bày tờ trình, báo cáo tại hội trường.

 

Thay vào đó, những thông tin chi tiết trong báo cáo được thể hiện đầy đủ, lý giải cụ thể và gửi trước đến đại biểu. Những báo cáo thể hiện tại hội trường cũng được rút ngắn hơn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, nhấn mạnh những vấn đề quan trọng. Thảo luận tại hội trường theo nhóm vấn đề, tập trung vào những nội dung còn ý kiến khác nhau cũng phát huy hiệu quả và tăng thời gian cho nhiều đại biểu phát biểu.

 

Trong thảo luận Tổ, tại kỳ họp này Uỷ ban thường vụ Quốc hội áp dụng cách chia tổ theo hướng đề cao vai trò của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, thay vì thảo luận ở 21 tổ như các kỳ họp trước thì lần này rút xuống còn 15 Tổ và có sự đan xen giữa các Đoàn khác nhau. Sự đổi mới này góp phần để các đại biểu có thêm nhiều thông tin về những vấn đề chung, phạm vi rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực, tạo sự gắn kết giữa thảo luận Tổ và thảo luận tại Hội trường và giúp rút ngắn thời gian kỳ họp.

 

Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ngay sau phiên khai mạc kỳ họp cũng là một điểm mới. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội và Chính phủ hiểu rõ hơn những khó khăn, thách thức và cả những "bức xúc" mà cử tri kỳ vọng, gửi gắm. 

 

Kỳ nào cũng có nhưng báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 có phần "đặc biệt hơn". Nói là "đặc biệt hơn", vì chúng ta đang  gặp nhiều khó khăn do tác động suy thoái của nền kinh tế thế giới, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị với những quyết sách đúng đắn, kịp thời. Dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi thẳng thắn mang tính xây dựng cao, Quốc hội quyết định mục tiêu tổng quát cho năm 2009 là: Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế một cách chủ động và hiệu quả.

 

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2009 với mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%  thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước cử tri  trên cơ sở thực tiễn tình hình trong nước và thế giới.

 

Việt Nam đang tiếp tục quá trình hội nhập  quốc tế, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua 8 dự án Luật và cho ý kiến vào 6 dự án Luật khác có ý nghĩa quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Những dự án Luật được thông qua gồm: Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luận cán bộ, công chức; Luật quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật thi hành án dân sự; Luật bảo hiểm y tế; Luật công nghệ cao; Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật đa dạng sinh học… Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu lực các quy định mới ban hành ngay từ khi Luật có hiệu lực.

 

Trả lời chất vấn- không chỉ “hứa”

 

Đổi mới thể hiện rõ nét nhất tại kỳ họp này là tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường và các nội dung giám sát khác.  7 Bộ trưởng được Uỷ ban thường vụ Quốc hội "chọn"  trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng rất "trúng": Môi trường ô nhiễm, việc công ty Vedan và nhiều Công ty khác thải nước thải chưa qua xử lý ra sông vẫn đang còn "nóng";  giải pháp tiêu thụ lúa hàng hoá cho nông dân là vẫn đề mà bà con rất quan tâm; mưa lũ lớn làm thiệt hại nặng về người ngay tại Hà Nội; việc đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo tuy đã đạt được những kết quả nhưng còn nhiều việc phải làm. Những bất cập trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục đào tạo, y tế… đòi hỏi Chính phủ và các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần "trách nhiệm" trước cử tri và đất nước.

 

Việc chất vấn theo "nhóm vấn đề" được thực hiện từ kỳ họp này bước đầu phát huy hiệu quả. Đã không còn tình trạng Bộ trưởng đọc báo cáo tại phiên chất vấn mà thay vào đó là  báo cáo về những việc đã "hứa" từ kỳ họp trước. Không khí tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm và quan trọng hơn là cùng nhau làm rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp khắc phục.

 

Nhiều Bộ trưởng đã thừa nhận hạn chế, yếu kém của ngành mình và thấy rõ trách nhiệm cá nhân. Những thông tin "xác đáng" thể hiện qua các câu chất vấn cũng cho thấy, từng vị đại biểu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tiếp xúc lắng nghe, thu thập ý kiến cử tri trước những vấn đề của đất nước. Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên chính phủ đã thể hiện rõ tinh thần "cầu thị" qua các phiên chất vấn, nhằm giúp Chính phủ có những giải pháp quản lý, điều hành hiệu quả hơn. Thành công từ những đổi mới của các phiên chất vấn không dừng lại ở những "lời hứa" mà lần này, Quốc hội đã ra Nghị quyết yêu cầu các Bộ trưởng phải có biện pháp cụ thể, thực hiện những điều đã "hứa" có kết quả thực sự, báo cáo Quốc hội và cử tri tại kỳ họp sau..

 

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII đã kết thúc, hoàn thành các chương trình nội dung đã đề ra. Đổi mới góp phần làm nên thành công, nhưng thành công của một kỳ họp không chỉ thể hiện trong nội dung các quyết sách tại Nghị trường Quốc hội mà quan trọng hơn phải được đánh giá bằng hiệu quả thực tiễn khi triển khai.

 

Năm 2008 sắp kết thúc, vẫn biết trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng nếu đã có quyết sách đúng đắn, sự quản lý điều hành linh hoạt và năng động của Chính phủ, sự nỗ lực thực hiện của toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thành công những mục tiêu kinh tế, xã hội năm 2008 và những năm tiếp theo./.

Đặng Linh

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác