Tại buổi thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với chủ trương thu hẹp hình phạt tử hình. Tuy nhiên, với đề nghị bỏ án tử hình đối với 17/19 loại tội phạm, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn.
ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, việc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, mạnh dạn bỏ một số tội là phù hợp với chính sách nhân đạo và xu hướng quốc tế hiện nay. Chỉ nên áp dụng mức phạt cao nhất này đối với những người phạm tội không còn khả năng cải tạo. Tuy nhiên, ĐN Trần Văn Độ cũng kiến nghị, nên bỏ án tử hình những tội liên quan đến tài sản; án tử hình chỉ nên áp dụng đối với các tội: xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, xâm hại tình dục trẻ em và sản xuất, vận chuyển ma túy (hiện 100g đã bị tử hình, có thể nâng lên 1kg mới bị án tử hình)...
ĐB Ngô Tự Nam (Đồng Tháp) tán thành việc bỏ án tử hình đối với một số tội nhưng đề nghị xem xét lại đối với tội hiếp dâm. Theo phân tích của ĐN Ngô Tự Nam, một số bị cáo hiếp dâm xong giết nạn nhân, trong quá trình xét xử đều bị khép vào tội giết người và bị tử hình; trên thực tế, đa số tội phạm hiếp dân đều không bị áp dụng hình phạt cao nhất. Vì vậy, vẫn nên xem xét mức xử phạt đối với loại tội phạm này.
ĐB Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) cũng đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội phá hủy các công trình an ninh quốc gia bởi hiện nay, vẫn còn những thế lực thù địch chống phá cần phải xử lý nhằm đảm bảo tính răn đe.
ĐB Trần Mùi Nái (Hà Giang) cũng bày tỏ sự băn khoăn, không đồng tình với việc bỏ án tử hình đối với tội sản xuất hàng giả bởi hậu quả gây ra cho xã hội vô cùng nghiêm trọng.
Trước đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng không nên loại bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh tham ô tài sản và nhận hối lộ vì hiện nay tệ nạn tham nhũng được coi là quốc nạn và theo báo cáo của Chính phủ thì vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Hiện nay, đấu tranh phòng chống tham nhũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước. Việc duy trì hình phạt này vừa đề cao tác dụng giáo dục, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xử lý nghiêm minh tội phạm tham nhũng, củng cố lòng tin của người dân với bộ máy nhà nước.