Bộ trưởng Bộ TN-MT PHẠM KHÔI NGUYÊN: Ô nhiễm môi trường do lịch sử để lại (?!)
Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên là người lần đầu tiên đăng đàn trả lời QH với tâm điểm là vấn đề quản lý nhà nước về môi trường nhìn từ “sự kiện” Vedan. ĐB Danh Út (Kiên Giang) nêu dồn dập các câu hỏi vì sao: “Vì sao 70% KCN, 90% cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải mà vẫn hoạt động? Vedan thoát tội, không bị đình chỉ hoạt động. Vì sao? Đã có công chức nào của bộ, địa phương bị xử lý chưa? Bộ trưởng có đồng tình để nhân dân khởi kiện Vedan?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã lần lượt miêu tả lại tình trạng hoạt động của Vedan từ năm 1993 khiến Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phải nhiều lần đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề. “10 giờ đêm hôm qua, chúng tôi có họp và dự định sẽ cưỡng chế Vedan trong ngày hôm nay nhưng cho đến giờ Vedan đang thực hiện nghiêm túc, 5 đường cống thì phá 3 đường rồi, còn 2 đường hiện nay đang hàn lại” – Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói. Vedan cũng đã thừa nhận sai phạm, cam kết từ 5 đến 8 tháng nữa sẽ xong hệ thống xử lý nước thải mới, đến 2009 sẽ nộp xong 127 tỷ đồng và đề nghị những nhà máy khác góp phần làm chết sông Thị Vải phải được xử lý nghiêm.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: MINH ĐIỀN
Chưa hài lòng với câu trả lời, ĐB Danh Út tiếp tục “truy”: “Tôi có hỏi vì sao Vedan đến nay không bị đình chỉ hoạt động? Bộ trưởng nói bộ và tỉnh không đùn đẩy nhau nhưng sao cả tháng qua vụ việc vẫn chưa được giải quyết?”.
Trước câu hỏi trực diện này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói: “Vedan đã thực sự đóng cửa 3 nhà máy. Còn Bộ TN-MT không có trách nhiệm dừng sản xuất của Vedan mà đó là trách nhiệm của địa phương”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vẫn chưa hài lòng: “Có hay không việc đùn đẩy trách nhiệm? Đã có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm và bị xử lý chưa?”. – “Hoạt động của Vedan rất tinh vi, là cố ý. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm” – Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trả lời.
Tiếp tục vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp nào vừa khắc phục vi phạm ô nhiễm vừa đảm bảo công ăn việc làm, khuyến khích doanh nghiệp phát triển?”.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, vi phạm ô nhiễm môi trường ở nước ta nghiêm trọng do lịch sử để lại. 80% cơ sở dùng công nghệ những năm 80. Trong 2.000 làng nghề có tới 1.400 làng ô nhiễm. 3 cơ sở có chất độc dioxin, đến nay chưa khắc phục. Từ nay đến 2015, ngành đặt chỉ tiêu xử lý 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu ở 183 khu công nghiệp tập trung và các nhà máy hóa chất.
Giật mình thấy ô nhiễm là đã muộn
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ TN-MT trước chất vấn của ĐB Danh Út (Kiên Giang), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc tự tin khẳng định: hiện nay không có chuyện các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải vẫn được cấp phép; trước khi cấp phép đều yêu cầu phải có báo cáo tác động môi trường, yêu cầu quy hoạch phát triển hạ tầng phải có hệ thống xử lý. Tuy nhiên, việc có tới 70% KCN vi phạm là do cả một quá trình.
Trước đây, chúng ta không đặt vấn đề môi trường quan trọng như bây giờ - không đặt đúng tầm cỡ của môi trường trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Những KCN như KCN Sông Công xây dựng từ những năm 1970, KCN Thái Nguyên xây dựng từ những năm 1950-1960, KCN Việt Trì và nhiều KCN khác đều không có hệ thống xử lý nước thải và lúc đó chúng ta chỉ đặt vấn đề xử lý nước thải đối với những nhà máy thật độc hại như Nhà máy Giấy Bãi Bằng.
“Đến bây giờ chúng ta mới giật mình báo động là phải xử lý và từ đó mới phải xây dựng Luật Bảo vệ môi trường, cũng là muộn hơn so với các luật khác” - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.
A.Nhi
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT: Trách nhiệm dự báo sai thuộc về cá nhân tôi
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tập trung vào những bức xúc của người dân trước tình trạng giá vật tư thì cao, giá nông sản thấp, hàng hóa không tiêu thụ được; việc ngưng xuất khẩu gạo, nhập khẩu muối, nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm trong khi nông dân sản xuất dư thừa, không tiêu thụ được.
ĐB Nguyễn Hồng Diện (Hậu Giang) “khai hỏa” bằng chất vấn liên quan đến việc ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo trong lúc giá gạo thế giới tăng cao và có vài ngày cuối tháng 4 giá gạo tăng đột biến do tin đồn: Công tác dự báo như vậy đúng hay sai, trách nhiệm như thế nào? Bộ NN-PTNT đã thống kê được thiệt hại do ngừng ký kết xuất khẩu gạo đã gây thiệt hại cho nông dân bao nhiêu?
Những bức xúc này đã được Bộ trưởng Cao Đức Phát giải đáp khá bài bản: Trong trường hợp tháng 4 giá thế giới đã lên gấp gần 4 lần so với giá bình quân năm 2007, việc giá gạo lên vào cuối tháng 4 không phải chỉ vì tin đồn, mà giá gạo trong nước biến động theo giá thế giới, khi giá thế giới lên cao thì giá trong nước cũng lên theo. Một số doanh nghiệp đã mua gom với hy vọng xuất khẩu chứ không phải chỉ tin đồn. Chỉ tạm dừng ký hợp đồng mới, các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu và tiếp tục mua, vì thế nên giá trong nước lên rất cao, có lúc lên đến 5.500-6.000 đồng/kg nhưng sang tháng 6 giá xuống, vì giá thế giới cũng xuống. “Khi giá trong nước xuống ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của bà con nông dân thì Chính phủ đã chỉ đạo doanh nghiệp phải mua lúa cho nông dân, lỗ cũng mua” – Bộ trưởng nói.
Liên quan đến việc dự báo sai sản lượng lúa gạo, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Trách nhiệm về việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và QH về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của QH theo luật pháp”.
Còn về ý tưởng mà đại biểu Lê Thanh Liêm nêu về việc bồi thường những tổn thất của nông dân khi những tình huống như thế này xảy ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát hứa: “Xin tiếp thu để nghiên cứu. Bởi vì đây là một vấn đề lớn, chúng ta phải đặt trong tổng thể chung các chính sách của Nhà nước đối với nông dân và xử lý quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng, có rất nhiều vấn đề liên quan đến nhau”.
Riêng việc doanh nghiệp sản xuất hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người nông dân đã có những quy định rất cụ thể của luật pháp, các địa phương chỉ đạo một số doanh nghiệp buộc phải bồi thường cho nông dân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính VŨ VĂN NINH: Xây dựng cơ chế giá minh bạch
Điều hành giá cả vẫn là vấn đề tương đối “nóng” trong phiên chất vấn người đứng đầu Bộ Tài chính. Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) về nghịch lý: lạm phát giảm nhưng giá một số mặt hàng vẫn cao, ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận người thu nhập thấp, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích: “Đúng là nhìn chung giá sản phẩm đầu vào đã giảm, nhưng giá một số mặt hàng chưa thể giảm ngay được. Chẳng hạn như xăng dầu, vừa giảm vừa phải bù lỗ cho giai đoạn trước đó. Hiện nay các DN xăng dầu đã phải tăng dự trữ lưu thông từ 20 lên 30 ngày để bảo đảm an ninh năng lượng, nên giá thế giới giảm hôm nay, nhưng xăng dầu đã nhập giá cao từ 30 ngày trước đó”.
Đồng tình rằng cần phải có độ trễ giảm giá, nhưng ĐB Bạch Mai cho rằng, cần phải có giới hạn: “Chính phủ đã làm gì để kiểm soát, không để các DN bắt tay nhau giữ giá?”. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tiếp tục giải thích rằng, trong 6 tháng đầu năm 2008, để chống lạm phát nhiều mặt hàng như điện, xăng dầu, nước… không được tăng giá nhưng vẫn phải bảo đảm cung-cầu trong nước. Theo quy luật bình thường, khi DN lỗ thì sẽ không thể vay vốn ngân hàng để kinh doanh tiếp, nhưng các DN đã chấp hành rất nghiêm túc chủ trương của Chính phủ.
“Cơ chế thị trường định hướng XHCN đã được khẳng định” – Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói, và cho biết sắp tới Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ phối hợp xây dựng một cơ chế giá minh bạch. Theo cơ chế này, sẽ công bố giá dầu thế giới lên đến mức nào thì sẽ có mức thuế nhập khẩu tương ứng với mức đó. Mức lãi hợp lý của DN là bao nhiêu, mức bù lỗ hợp lý như thế nào và được bù đến thời điểm nào cũng sẽ được công bố để Nhà nước kiểm soát và người dân giám sát.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay dù một số mặt hàng Nhà nước không quản lý giá, nhưng khi điều chỉnh, DN phải đăng ký với địa phương. Trên thực tế, vừa qua một số DN, chẳng hạn như taxi khi điều chỉnh giá quá cao đã không được địa phương chấp nhận. Bộ Tài chính phối hợp cùng các địa phương kiểm tra việc tăng giá ở hơn 2.000 DN, và phát hiện một số tăng giá bất hợp lý, nên đã thu hồi về 41 tỷ đồng chênh lệch giá.
Trách nhiệm cá nhân chưa rõ
“Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng, chưa tập trung, chưa chuyên sâu. Bộ trưởng phải hướng đến trách nhiệm cá nhân và của bộ, nếu trong nhiệm vụ quyền hạn được giao mà không làm được thì còn có trách nhiệm với luật pháp”- Nhiều đại biểu QH và cử tri đã bày tỏ ý kiến sau khi kết thúc phần trả lời của các bộ trưởng.
Ông Trần Hoàng Thám (Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM): Cần mời thêm người đứng đầu chính quyền địa phương trả lời chất vấn
Hoạt động chất vấn mới qua ngày đầu tiên nhưng tôi thấy tốt hơn ở cả hai phía: thứ nhất là đoàn Chủ tịch phiên họp cũng đã có sự chuẩn bị, đổi mới về nội dung và cách phân chia nội dung. Ba vị Bộ trưởng trả lời hôm nay đều trả lời rất có trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri. Tuy nhiên, Quốc hội họp cả tháng trời, có những vấn đề phát sinh đối với đất nước, người dân đặc biệt quan tâm thì không nên chỉ chất vấn đối với thành viên Chính phủ mà cũng có thể mời người đứng đầu chính quyền địa phương trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ví dụ như đợt mưa gây ngập lụt ở Hà Nội vừa qua khiến vài chục người thiệt mạng, xáo trộn cuộc sống của người dân…, không thể chỉ có trách nhiệm của Bộ TN-MT mà theo tôi, cần phải mời Chủ tịch TP Hà Nội giải trình vì sao giải quyết vấn đề đó chậm.
Ông Trần Nhung (28C - Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): Đừng để cử tri phải nhắc lại chuyện cũ
Tôi rất ấn tượng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát, nhất là khi ông dám thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc dự báo sai sản lượng lúa gạo khiến nông dân bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên phần trả lời chất vấn về vấn đề ứng phó với mưa lũ tại 15 tỉnh thành phía Bắc vừa qua, tôi cho rằng Bộ trưởng chưa nhìn thấy hết trách nhiệm của mình. Rõ ràng, công tác dự báo khí tượng thủy văn của chúng ta có vấn đề từ rất lâu rồi, vậy mà vẫn cứ lặp đi lặp lại, vậy thì trách nhiệm đó thuộc về Bộ trưởng. Tất nhiên, trả lời chất vấn tại Quốc hội không phải chỉ là quy trách nhiệm hay sẵn sàng nhận trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải làm sao để kỳ họp sau không phải nhắc lại những vấn đề đã bức xúc từ kỳ họp trước. Đó mới là điều người dân chúng tôi mong đợi.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang): Bộ trưởng cần xin lỗi nhân dân
Trong vụ Vedan, Bộ trưởng nói bị lừa, nhưng tôi nghĩ cơ quan quản lý nhà nước bị doanh nghiệp lừa sao không xử lý đến nơi đến chốn. Về vấn đề để doanh nghiệp gây ô nhiễm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy, tôi cần Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên rút kinh nghiệm, kiểm điểm rõ ràng. Tôi thấy câu trả lời của Bộ trưởng chưa thỏa đáng và chưa tập trung, chưa sâu. Bộ trưởng cần xin lỗi nhân dân, không nên quanh co, trốn tránh trách nhiệm.
Tôi nghĩ quan trọng là Bộ trưởng phải hướng đến trách nhiệm cá nhân và của bộ, nếu trong nhiệm vụ quyền hạn được giao mà không làm được thì còn có trách nhiệm với luật pháp. Tôi nghĩ luật pháp như thế này chưa nghiêm, chưa có chế tài cụ thể cho những người được giao nhiệm vụ. Tôi đặt vấn đề không hoàn thành nhiệm vụ trong ngành, đến nay có ai kiểm điểm, ai từ chức chưa?