Ngày làm việc thứ 21, kỳ họp thứ tư, QH khóa XII: Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2009

12/11/2008

Hôm qua 10-11, trong ngày làm việc thứ 21, kỳ họp thứ tư, QH khóa XII, các đại biểu làm việc tại hội trường thảo luận hai dự án Luật và thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2009.

Buổi sáng, các đại biểu thảo luận dự án Luật lý lịch tư pháp. Vấn đề đầu tiên thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu là sự cần thiết ban hành luật này. Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật này nhằm giải quyết những vấn đề bất cập và điều chỉnh thống nhất lĩnh vực lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu về cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân, phù hợp yêu cầu hội nhập và xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Nhưng nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về sự cần thiết ban hành luật này trong thời điểm hiện nay và đề nghị QH cân nhắc lại xem có nên thông qua hay không (Phạm Văn Hà-Nghệ An, Nguyễn Ðăng Trừng-TP Hồ Chí Minh, Lê Văn Hưng-Hưng Yên...). Có ý kiến đề nghị, trong thời điểm hiện nay, để bảo đảm tính khả thi, nên ban hành Nghị định hoặc Pháp lệnh về lĩnh vực này (Trần Thị Hoa Sinh-Lạng Sơn). Vấn đề thứ hai nổi lên qua thảo luận dự án luật này là việc thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp ở hai cấp, đó là: Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Trung tâm lý lịch tư pháp cấp tỉnh. Số đông ý kiến phát biểu cho rằng, không cần thiết thành lập Trung tâm này, vì làm phình bộ máy, tăng biên chế hành chính Nhà nước. Ðại biểu Nguyễn Duy Hữu (Ðác Lắc) cho rằng, việc thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp cấp tỉnh là lãng phí. Mặt khác, việc thành lập Trung tâm như quy định tại dự thảo là mâu thuẫn, vì Trung tâm do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập, trực thuộc Sở Tư pháp lại có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, giúp Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Các ý kiến phát biểu cũng đề cập một số vấn đề khác của nội dung dự thảo luật như việc quy định chế tài xử lý vi phạm ở Ðiều 51 chưa đủ mạnh, và một số quy định chồng chéo với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Chẳng hạn Ðiều 32 dự thảo Luật quy định Trung tâm lý lịch tư pháp thực hiện việc xóa án tích đương nhiên là mâu thuẫn với Ðiều 270 Bộ luật Tố tụng hình sự (Ngô Tự Nam - Ðồng Tháp).

Buổi chiều, các đại biểu nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình,  tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu QH về dự thảo  Nghị quyết phân bổ ngân sách T.Ư  năm  2009. Báo cáo cho biết,  năm 2009 tiếp tục ưu tiên giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, trong đó có đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo tinh thần Nghị quyết T.Ư7 của Ðảng. Theo đó, tiếp tục nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ưu tiên phát triển thủy lợi, nước sạch, đường giao thông nông thôn; dành vốn đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến ngư, dạy nghề cho nông dân; ưu tiên hộ nghèo vay vốn sản xuất và sinh viên nghèo vay vốn... QH đề nghị Chính phủ kiên quyết loại bỏ dự án chưa thật sự cấp bách, điều chỉnh tổng mức đầu tư phù hợp, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Ngân sách T.Ư  hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần các địa phương nghèo, các tỉnh miền núi chưa cân đối được ngân sách. QH đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi và mức phân bổ cho từng bộ, địa phương theo đúng quy định; chỉ đạo các bộ, cơ quan T.Ư, HÐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư  triển khai giao dự toán ngân sách T.Ư năm 2009, thực hiện công khai theo đúng quy định. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương tăng nguồn thu cho ngân sách, tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi các hội nghị, cuộc họp, dự án chưa cần thiết; không bố trí vốn cho công trình, dự án chưa đủ thủ tục; nợ vốn xây dựng cơ bản phải bố trí vốn để trả nợ, không để phát sinh thêm và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trong sử dụng vốn ngân  sách Nhà nước...

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH, Ủy viên Ðoàn Thư ký kỳ họp Ðinh Văn Nhã đọc toàn văn dự thảo Nghị quyết của QH về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2009.

Với đa số đại biểu tán thành, QH biểu quyết thông qua Ðiều 3, Ðiều 4 của dự thảo Nghị quyết và với 441 đại biểu tán thành (bằng 89,45% tổng số đại biểu), QH thông qua toàn văn Nghị quyết phân bổ ngân sách T.Ư năm 2009.

Tiếp đó, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Các đại biểu : Phạm Thị Loan (Hà Nội), Ngô Anh Dũng (Hà Nội), Nguyễn Ðức Kiên (Sóc Trăng), Ðinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Ngô Quang Xuân (Ðồng Tháp) và nhiều đại biểu khác đề nghị cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; về nguyên tắc, quy trình thành lập, cơ cấu  tổ chức, bộ máy hoạt động,  tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức làm việc ở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Một số đại biểu đề nghị  cần có quy định cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kiêm nhiệm một khu vực, một vùng và không nên có chế độ, chính sách tiền lương riêng cho số cán bộ, công chức trong thời gian làm việc ở cơ quan đại diện, mà cần có các quy định về  hỗ trợ phụ cấp bảo đảm mức sống của  số cán bộ, công chức làm việc ở cơ quan đại diện nước ta bằng mức sống chung của nước sở tại. Một số đại biểu đề nghị cần quy định tiêu chuẩn của một số chức vụ ngoại giao  được mang gia đình sang sinh sống ở nước ngoài mà ngân sách Nhà nước chi...

 

HOÀNG LONG và LÊ HOÀNG

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác