QH thảo luận về dự án Luật Lý lịch tư pháp: Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

07/11/2008

(VOV) - Luật cũng tạo điều kiện cho người từng bị kết án trong việc xoá án tích, tái hoà nhập cộng đồng; góp phần phục vụ hoạt động tố tụng và công tác quản lý nhân sự của cơ quan, tổ chức

Sáng nay (6/11), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Lý lịch Tư pháp (LLTP).

Tại các tổ thảo luận của các đoàn Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Hoà Bình, Thành phố Hà Nội, đa số ý kiến nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật LLTP. Bởi, quản lý LLTP có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu chứng minh về nhân thân của cá nhân công dân, cũng như tạo điều kiện cho người từng bị kết án trong việc xoá án tích, tái hoà nhập cộng đồng; góp phần phục vụ hoạt động tố tụng và công tác quản lý nhân sự của cơ quan, tổ chức.

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội), Bùi Viết Hưng (đoàn Hoà Bình) cho rằng, hiện nay lĩnh vực quản lý LLTP liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành liên quan, như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao… Nếu lĩnh vực này chỉ được điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ sẽ không phù hợp. Vì thế, cần phải ban hành Luật LLTP.

Xem xét toàn diện phạm vi quản lý LLTP

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là phạm vi quản lý LLTP. Đa số đại biểu đồng ý với quy định của Dự thảo Luật, phạm vi quản lý LLTP bao gồm lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực của Toà án, tình trạng thi hành bản án đó và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã của cá nhân có liên quan trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Theo đại biểu, thực tiễn nhu cầu cấp phiếu LLTP thời gian qua cho thấy, khi cơ quan, tổ chức ở trong nước hoặc nước ngoài (nếu người đó xuất cảnh) có nhu cầu cần biết nhân thân tư pháp của một người để phục vụ cho công tác quản lý nhân sự, quản lý hành chính, thì điều mà cơ quan, tổ chức quan tâm cần biết là án tích và quá trình thi hành án của người đó. Đối với các quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, như: quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bắt buộc chữa bệnh, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án... mặc dù có ý nghĩa cho công tác phòng ngừa và chống tội phạm, nhưng không phải là bản án nên không được coi là án tích. Trường hợp người chưa thành niên phạm tội, bị Toà án áp dụng các biện pháp tư pháp trong bản án, quyết định, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Bộ luật hình sự, cũng không bị coi là có án tích, nên không ghi vào LLTP. Còn trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản, do yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh, việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ trong các doanh nghiệp nhà nước; không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định của Tòa án cũng cần được ghi vào LLTP.

Cũng về nội dung này, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn thành phố Hà Nội), Vũ Hồng Anh (đoàn thành phố Hà Nội), Phùng Văn Toàn (đoàn Phú Thọ) và một số đại biểu lại cho rằng, cần mở rộng phạm vi quản lý LLTP bao gồm cả quyết định hành chính và các quyết định của cơ quan tư pháp như bắt buộc chữa bệnh; tịch thu tiền, vật có liên quan đến tội phạm; đưa vào trường giáo dưỡng... “Dự án Luật chỉ quy định quản lý LLTP bao gồm lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực của Toà án, tình trạng thi hành bản án đó và thông tin về phá sản. Như vậy là quan tâm về mặt hình sự và kinh tế. Trong khi đó, đánh giá một con người phải dựa trên nhiều yếu tố, ngoài những yếu tố quy định trọng Luật cần phải có các yếu tố liên quan đến hoạt động bình thường trong lĩnh vực hành chính. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để Dự án Luật được đầy đủ, đảm bảo đánh giá đúng và đủ về một con người”- Đại biểu Vũ Hồng Anh đề nghị.

Trung tâm LLTP nên hoạt động đồng bộ

Về chức năng của Trung tâm LLTP cũng là nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến. Dự thảo Luật quy định Trung tâm LLTP được tổ chức ở hai cấp: Trung tâm LLTP quốc gia và Trung tâm LLTP cấp tỉnh. Trong đó, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước. Trung tâm LLTP cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về LLTP trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Một số đại biểu đồng ý với Dự án Luật và cho rằng, quy định như vậy cơ bản đã kế thừa được mô hình tổ chức hiện tại, nên không gây xáo trộn về tổ chức và bảo đảm việc tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi Luật có hiệu lực.

Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn thành phố Hà Nội) và một số đại biểu lại không tán thành với dự án Luật. “Dự thảo Luật quy định Trung tâm LLTP trực thuộc Sở tư pháp, nhưng lại có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm quản lý nhà nước về LLTP là không hợp lý. Bởi tất cả những hoạt động của  Trung tâm LLTP đều phải thông qua Sở tư pháp trước khi lên đến Chủ tịch UBND. Đề nghị Trung tâm LLTP của cấp tỉnh nên là một bộ phận thuộc Sở Tư pháp được chỉ đạo theo ngành dọc, còn chức năng tham mưu cho UBND thì nên giao cho Sở Tư pháp”- Đại biểu Chu Sơn Hà nói.

Cũng trong buổi thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về các điều khoản cụ thể của Dự án Luật, như phiếu LLTP, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều khoản chuyển tiếp...

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Đề án thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã./.

 

Minh Hoà- Thanh Hà

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác