Ngày làm việc thứ 17, kỳ họp thứ tư, QH khóa XII: Giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước

07/11/2008

ND - Ngày 5-11 là ngày làm việc thứ 17, kỳ họp thứ tư, QH khóa XII. Trong ngày làm việc này, QH thực hiện giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản vốn Nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến 2007.

Báo cáo của Chính phủ về vấn đề này đã nêu rõ việc ban hành các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước và kết quả thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương. Nhìn chung, những năm gần đây công tác lập quy hoạch đã có nhiều đổi mới. Ðối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các quy hoạch đã chú ý tính linh hoạt trong việc xác định mục tiêu, định hướng, chú ý nhiều hơn đến yếu tố thị trường và khả năng cạnh tranh, tránh được việc đưa ra các chỉ tiêu và các công trình, dự án quá cụ thể.

Ðến đầu năm 2008 đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2010 của sáu vùng, xây dựng quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, xây dựng quy hoạch phát triển các dải ven biển, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu cả nước. Ðã có 58 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của các bản quy hoạch đó là chất lượng chưa cao, thiếu căn cứ vững chắc, chưa có tầm nhìn xa. Công tác phân tích và dự báo về thị trường thiếu tin cậy, cho nên nhiều bản quy hoạch phải thay đổi nhiều lần; chưa phù hợp cơ chế thị trường, nhất là diễn biến về thị trường quốc tế. Các quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng xã hội ở các tỉnh, thành phố thiếu đồng bộ, triển khai chậm, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa; ở các thành phố lớn vẫn chưa có các quy hoạch kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Từ năm 2005 đến 2007, vốn đầu tư ngân sách Nhà nước giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bao gồm cả Bộ Thủy sản cũ) là 6.587 tỷ đồng.  Khối lượng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2005-2007 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, bằng 121% kế hoạch vốn, do nguồn vốn ngoài nước đã giải ngân vượt kế hoạch được giao.

Số dự án đầu tư giai đoạn 2005-2007 là 307 dự án, hoàn thành khoảng 200 dự án, chiếm 65% dự án triển khai, trong đó: 95 dự án thủy lợi, 46 dự án nông nghiệp, chín dự án lâm nghiệp, 20 dự án thủy sản, 13 dự án khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Trong ba năm 2005-2007, vốn đầu tư ngân sách Nhà nước giao cho Bộ Giao thông vận tải khoảng 20 nghìn tỷ đồng (gồm cả vốn ODA) và vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 33 nghìn tỷ đồng; đã triển khai thực hiện và hoàn thành nhiều công trình đưa vào khai thác sử dụng, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, vận tải hàng hóa, hành khách, cải thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Ðã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cành (Kon Tum) dài 1.432 km đường, 53 cầu lớn và 261 cầu trung. Hoàn thành đưa vào sử dụng gần 100 công trình, dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, trong đó có: 56 công trình giao thông đường bộ, 42 cầu. Ðã triển khai một số dự án quy mô lớn như nam sông Hậu, Quản Lộ-Phụng Hiệp, QL6 (giai đoạn 2), QL 279 (đoạn Tuần Giáo-Ðiện Biên).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đã có khoảng 250 bệnh viện đang được đầu tư. Tổng vốn đầu tư từ tất cả các nguồn trong ba năm ước đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Ðể đẩy nhanh thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến huyện, trong giai đoạn tới Chính phủ dự kiến mỗi năm sử dụng khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư đẩy nhanh việc triển khai thực hiện, sớm hoàn thành việc nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, giải quyết một phần tình trạng quá tải hiện nay của các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.

Vốn thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học là 9.310 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương huy động từ công trái giáo dục là 5.336 tỷ đồng, ngân sách địa phương 3.174 tỷ đồng, nguồn vốn khác 913 tỷ đồng. Số vốn đã giải ngân là 4.882 tỷ đồng, đạt 93,5% tổng số vốn trung ương đã hỗ trợ cho địa phương.

Sau hơn bốn năm thực hiện, chương trình đã xây dựng mới và kiên cố được 74.216 phòng học, trong đó có hơn 67.053 phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng có đủ bàn, ghế, bảng, đèn điện chiếu sáng. Về thanh tra, kiểm tra, qua ba năm thực hiện Nghị quyết số 36/2004/QH11 (từ năm 2005 đến 2007). Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này còn một số tồn tại như công tác khảo sát để lập hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật còn yếu kém, sai sót dẫn tới phải điều chỉnh, bổ sung khối lượng thực hiện. Trong công tác lập dự toán công trình vẫn còn tình trạng áp sai đơn giá, định mức, khối lượng làm tăng chi phí xây dựng. Còn có tình trạng tổ chức đấu thầu hình thức, có biểu hiện thông thầu, đặc biệt đối với các công trình nhỏ ở các địa phương dẫn tới hiệu quả đấu thầu thấp, không có tính cạnh tranh. Tiến độ thực hiện chậm ở hầu hết các dự án, công trình được thanh tra, kiểm tra dẫn tới tăng chi phí xây dựng, hiệu quả đầu tư thấp. Qua thanh tra các dự án đầu tư xây dựng trong ba năm, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành và địa phương cả nước đã kiến nghị giảm trừ thanh toán, xuất toán và thu hồi hàng nghìn tỷ đồng.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát cho thấy, một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa được ban hành kịp thời, có những nội dung không phù hợp thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; mặt khác, cũng có những văn bản thay đổi trong thời gian ngắn, thiếu tính dự báo, làm cho việc triển khai thực hiện bị động, lúng túng.

Các văn bản dưới luật chậm ban hành dẫn đến tình trạng luật chờ nghị định. Nội dung của một số văn bản luật, văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp thực tế hoặc không thống nhất; việc phân công các bộ ban hành văn bản chưa phù hợp yêu cầu quản lý chuyên ngành. Giai đoạn 2005-2007, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước là 237.447 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý là 151.774 tỷ đồng và các bộ, ngành Trung ương là 85.673 tỷ đồng. Tổng số vốn trái phiếu Chính phủ đã được giải ngân ở các địa phương là 757,850 tỷ đồng. Tổng số vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã được giải ngân là 4.876 triệu USD. Tính đến tháng 6-2008, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh là 5.820 triệu USD, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là 384 nghìn tỷ đồng.

Về những hạn chế, báo cáo giám sát cho rằng, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (đường giao thông, cảng biển, bệnh viện tại các thành phố lớn...) quá tải, thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn Nhà nước rất chậm, thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà, hiệu quả của nhiều dự án thấp, còn thất thoát, lãng phí so với đầu tư bằng nguồn vốn khác. Tình trạng bố trí vốn dàn trải, đầu tư thiếu đồng bộ vẫn khá phổ biến.

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư, chất lượng lập, việc thẩm định, phê duyệt dự án tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt, công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán của nhiều đơn vị được kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu, các dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện có xu hướng tăng lên. Vẫn còn nhiều vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, an toàn giao thông... gây bức xúc trong nhân dân.

Ủy ban Thường vụ QH nhận định, nguyên nhân tình trạng đó là do sự phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương vẫn còn thiếu đồng bộ. Năng lực của một bộ phận các chủ thể gồm cả cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể khác tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng cơ bản (chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu) chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt kết quả như yêu cầu của quá trình đổi mới và mong mỏi của cử tri cả nước.

Báo cáo cũng đưa ra những yêu cầu, kiến nghị đối với công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước trong thời gian tới, như tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này; nâng cao chất lượng, tính pháp lý của công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ cấu hợp lý các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý; tăng cường vai trò quyết định, giám sát của QH, HÐND, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và UBND các cấp.

Thảo luận về chủ đề nói trên, hầu hết các ý kiến phát biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, đồng thời nhấn mạnh một số tình hình, yếu kém, hạn chế và nguyên nhân cũng như đưa ra các kiến nghị khắc phục nhằm làm cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước hiệu quả hơn.

Vấn đề  được nhiều đại biểu đề cập là việc ban hành các văn bản pháp luật về lĩnh vực này. Ý kiến chung là việc ban hành các văn bản hướng dẫn chậm, gây khó khăn cho việc thực hiện; hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng cơ  bản chắp vá, khập khễnh, thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn (Triệu Thị Bình (Yên Bái), Ðinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh), Ly Kiều Vân (Quảng Trị)...).

Nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ thực hiện các dự án chậm, nhất là nhóm công trình 135, do vậy hậu quả rất tai hại và gây lãng phí lớn, gây khó khăn cho đời sống nhân dân, thậm chí còn làm hư hỏng cán bộ. Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém mà các đại biểu nêu lên trong thảo luận khá nhiều, trong đó phải kể đến là chất lượng lập dự án không tốt; kinh nghiệm, năng lực chủ đầu tư hạn chế, việc tổ chức đấu thầu vẫn còn khép kín, thiếu công khai, minh bạch trong việc quy hoạch, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Các đại biểu QH kiến nghị cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này, trong đó việc ban hành các văn bản phải bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời, tránh sự chồng chéo, sơ hở; phân cấp quản lý mạnh hơn nữa cho địa phương; nâng cao tính pháp lý của công tác quy hoạch; đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý xây dựng cơ bản, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực này.

 

Thế Lân và Hoàng Trang

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác