Chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan lãng phí, tham nhũng

01/11/2008

Từ 1/10/2007 đến 31/8/2008, trong số tội phạm tham nhũng bị kết án, có 199 tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 29,4%).

Hôm nay (31/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe các báo cáo của Chính phủ và của các Ủy ban của Quốc hội về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác phòng chống tham nhũng đồng thời cho ý kiến về các nội dung này.

Tiết kiệm từ chi tiêu công khoảng 2.700 tỷ đồng

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2008 đã có bước phát triển mới: các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào trọng tâm, trọng điểm gắn với bối cảnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm, góp phần tích cực vào việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

Đặc biệt trong các lĩnh vực chi tiêu công, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại. Tổng số tiền tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo chỉ tiêu giao cho những tháng còn lại của năm 2008 của cả nước dự kiến đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, bằng khoảng 25% tổng dự phòng NSNN năm 2008. Khoản kinh phí tiết kiệm được dành để bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách...

Tổng hợp từ báo cáo của 36 Bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 15 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổng số công trình, dự án cắt giảm, ngừng triển khai, giãn tiến độ là 2.971 dự án với tổng số vốn là 35.358 tỷ đồng. Nhờ đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản được sử dụng tập trung hơn, giảm bớt tình trạng các công trình thi công kéo dài, bố trí vốn phân tán, kém hiệu quả công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn về vốn, thủ tục đầu tư cũng được tăng cường, nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phát huy hiệu quả công trình, dự án.

Thay mặt Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giám sát, thẩm tra cho rằng những kết quả đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 9 tháng của năm 2008 là rất đáng khích lệ: ý thức tiết kiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và trong nhân dân đã có chuyển biến so với năm 2007, được thể hiện rõ trong các lĩnh vực: chính sách tiết kiệm trong chi tiêu được các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân hưởng ứng khá tích cực, đạt được kết quả bước đầu, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát; công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, các công trình công cộng được chú trọng và có bước chuyển biến tích cực.

Về cơ bản, việc quản lý trụ sở làm việc, nhà công vụ được quan tâm chấn chỉnh, quản lý sử dụng dần đi vào đúng mục đích, tiêu chuẩn quy định; Công tác quản lý đất đai và tài nguyên thiên nhiên cũng đạt được một số kết quả bước đầu. Công tác quy hoạch đất đã được các địa phương thực hiện tích cực, khai thác nguồn thu từ quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sử dụng đất đai, nhất là đối với các dự án được giao đất, cho thuê đất, khắc phục được tình trạng kém hiệu quả…

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, yếu kém, thể hiện ở việc một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị, thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa có chiều sâu, chưa thể hiện tính tự giác cao, kết quả đạt được còn hạn chế. Báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hầu hết mới đánh giá tình trạng lãng phí tập trung ở những khâu, những việc dễ nhận thấy, dễ đánh giá, chưa thực sự đi sâu đánh giá và tìm những nguyên nhân của tình trạng lãng phí ở những lĩnh vực, những công việc phức tạp, có biểu hiện thất thoát lãng phí, khó nhận biết.

Qua thẩm tra, giám sát kết quả việc thực hiện, thực hành tiết kiệm chống lãng phí 9 tháng của năm 2008, Uỷ ban Tài chính Ngân sách thấy nổi lên một số tồn tại cụ thể: số lượng văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong 9 tháng của năm 2008 của Chính phủ, cấp bộ, ngành địa phương ban hành là khá lớn nhưng chất lượng chưa cao, nhiều văn bản thiếu chế tài cụ thể, chưa tạo ra động lực rõ rệt thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Việc chấp hành Luật ngân sách Nhà nước không nghiêm, vẫn diễn ra với các mức độ khác nhau ở các địa phương, đơn vị; tình trạng sử dụng kinh phí sai mục đích, cho vay, tạm ứng sai chế độ, chi vượt định mức tiêu chuẩn, chi vượt dự toán được giao vẫn còn diễn ra khá phổ biến và chưa được khắc phục; Việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chưa triệt để, tình trạng vi phạm, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản còn tương đối phổ biến ở tất cả các khâu; việc cắt giảm, ngừng triển khai, giãn tiến độ 2.971 dự án với số vốn 35.358 tỷ đồng là một kết quả tích cực để kiềm chế lạm phát nhưng cũng phản ánh một thực trạng đó là công tác quy hoạch, thẩm định, quyết định, triển khai các dự án xây dựng cơ bản ở một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước chưa tốt; tình trạng bố trí vốn dàn trải, manh mún, thiếu tập trung, chưa cân đối với nguồn vốn vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, là nguyên nhân quan trọng làm cho dự án bị kéo dài thời gian thực hiện, hạn chế hiệu quả đầu tư; việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ...

Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng được phát hiện là 132,2 tỷ đồng

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đánh giá, tình hình tham nhũng trong năm qua vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; đã xuất hiện những vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Tính từ 1/10/2007 đến 31/8/2008, trong số tội phạm tham nhũng bị kết án, có 199 tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 29,4%).

Việc đánh giá công tác PCTN, tình hình tham nhũng, mức độ hoàn thành mục tiêu PCTN hiện còn khó khăn, do chưa có tiêu chí, biện pháp đo lường cụ thể. Việc tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương có thể còn chưa chính xác nhưng đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động, tạo cơ sở để phát triển các phương pháp đo lường, dự báo, đánh giá về tham nhũng, giúp cho việc hoạch định, thực thi chính sách, giải pháp PCTN đạt hiệu quả cao hơn.

Từ 01/10/2007 đến 31/8/2008, các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 379 vụ việc tham nhũng (giảm 14 % số vụ việc so với cùng kỳ năm trước); trong đó cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố điều tra 284 vụ án với 622 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 30% số vụ án và giảm 25 % số bị can so với cùng kỳ năm trước); có 51 vụ việc, 125 đối tượng đã bị xử lý kỷ luật hành chính (giảm 59% số đối tượng so với cùng kỳ năm trước); hiện còn 44 vụ việc đang tiếp tục được xem xét để xử lý.

Một số vụ tham nhũng điển hình được dư luận xã hội quan tâm như Vụ Đề án 112, Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp, Tổng Công ty Mía đường II; Tổng Công ty Xây dựng miền Trung; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; Nông trường Sông Hậu…

Trong số vụ án đã khởi tố, tội tham ô chiếm tỷ lệ cao với 52,4 % số vụ và 45,1 % số bị can; tội nhận hối lộ chiếm 11,5% số vụ và 16,8 % số bị can; tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm 15,5 % số vụ và 13 % số bị can; tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ chiếm 17,6 % số vụ và 23 % số bị can; còn lại là các tội danh tham nhũng khác chiếm 2,8 số vụ và 1,9 % số bị can.

Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng được phát hiện là 132,2 tỷ đồng, 48,3 ha đất; đã thu giữ, phong tỏa được tiền, tài sản trị giá 46,4 tỷ đồng; xử lý, thu hồi được 48,3 ha đất; giá trị tiền, tài sản bị tham nhũng không còn khả năng thu hồi, khắc phục là 25,21 tỷ đồng; số còn lại đang tiếp tục điều tra, làm rõ để thu hồi.

Các cơ quan chức năng đã xử lý xong 2/4 vụ án còn lại trong số 8 vụ án trọng điểm năm 2006 mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung điều tra, xử lý, gồm vụ Lương Cao Khải, vụ Nguyễn Lâm Thái. Hiện chỉ còn 2 vụ gồm: Vụ Điện kế Điện tử và Vụ Nguyễn Đức Chi. Ngoài ra, còn 2 vụ án khác tách ra từ vụ PMU 18 cũng đang được tập trung chỉ đạo để xử lý dứt điểm gồm mảng tội phạm về kinh tế  và mảng tội phạm tham ô trong dự án Cầu Bãi Cháy

Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng đã rà soát các vụ án phát hiện năm 2007, 2008 và đang tập trung chỉ đạo xử lý 15 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng khác.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày cho rằng, công tác PCTN trong năm qua “tiếp tục có những chuyển biến tích cực” tuy nhiên, hiệu quả công tác PCTN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của quần chúng nhân dân, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải được làm rõ để khắc phục. Việc xây dựng thể chế về PCTN mặc dù đã có cố gắng nhưng nhìn chung, cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn có sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ; việc hoàn thiện còn chậm.

Ủy ban Tư pháp đưa ra 9 nội dung đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, khắc phục trong thời gian tới: Thứ nhất, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, nhất là giáo dục pháp luật và kỷ luật công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một số nơi thực hiện còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thiết thực; Thứ hai, những sơ hở, bất cập, thiếu thống nhất trong cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, thuế, cổ phần hóa, khai thác tài nguyên, khoáng sản… chưa được rà soát chỉ rõ ở văn bản, quy định nào và chậm được khắc phục; tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với yêu cầu, những quy định khi triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc chậm được sửa đổi, hoàn thiện; Thứ ba, việc công khai, minh bạch hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nặng tính hình thức và còn chậm. Thứ tư, nhìn chung việc thực hiện cải cách hành chính còn chậm, nhiều lĩnh vực thủ tục còn chồng chéo, không nhất quán và thiếu đồng bộ; tình trạng cửa quyền, đùn đẩy khó khăn, trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp còn xảy ra ở một số nơi. Thứ năm, việc kê khai tài sản, thu nhập chưa đáp ứng yêu cầu; Thứ sáu, nhiều cơ quan chậm ban hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đây là một tồn tại đã được đề cập trong Báo cáo năm 2007, nhưng vẫn chậm được khắc phục. Thứ bảy, triển khai rộng rãi việc trả lương qua tài khoản trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đã gây không ít khó khăn cho những đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đáng lưu ý hơn là chưa góp phần tích cực vào việc minh bạch tài sản, thu nhập, trong nhiều trường hợp thu nhập không thể hiện qua lương, nếu chỉ dừng lại ở đây mà không tính đến việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong dân cư, việc quản lý tất cả các thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức thì biện pháp này chưa phát huy tác dụng trong việc phòng ngừa tham nhũng. Thứ tám, việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức cần lưu ý để tránh hình thức, thiếu khách quan, tránh gây xáo trộn trong hoạt động, để vừa đảm bảo hiệu quả của công tác PCTN, đồng thời phát huy được chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thứ chín, về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn lúng túng và có biểu hiện nương nhẹ.

Để xảy ra lãng phí, tham nhũng: trách nhiệm thuộc về ai?

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện tiết kiệm chống lãng phí năm 2008, những chuyển biến mới tích cực so với năm 2007; Phân tích những thuận lợi khó khăn trong triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Xác định nguyên nhân của những kết quả đã đạt được, những tồn tại yếu kém trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong triển khai Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; Kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2009.

Về công tác phòng chống tham nhũng, các đại biểu tập trung vào đánh giá tình hình kết quả đạt được, những chuyển biến mới tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng năm 2008, dự báo tình hình tham nhũng trong thời gian tới; Đánh giá việc xử lý tội phạm tham nhũng nhất là các vụ án trọng điểm, dư luận xã hội về xử lý các tội phạm tham nhũng trong thời gian qua; Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phòng chống tham nhũng, sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán và cơ quan điều tra; phân tích những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong phòng chống tham nhũng; phương hướng, nhiệm vụ giải pháp phòng chống tham nhũng trong năm 2009.

Phần lớn ý kiến của các đại biểu đều đồng tình với báo cáo của Chính phủ và của các Ủy ban của Quốc hội cho rằng việc triển khai thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong thời gian qua từng bước thu được nhiều kết quả, góp phần ổn định xã hội, giữ được niềm tin trong xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề phòng chống tham nhũng vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề: cơ chế chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, cổ phần hóa; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ quyền hạn, có trình độ nên khả năng che giấu tội phạm khá tinh vi, phần nào làm hạn chế kết quả của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Theo đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (đoàn Khánh Hòa), có phải vì những lý do trên mà một số vụ án nổi cộm thời gian qua, lúc đầu “tưởng như chết đến nơi” nhưng khi xét xử thì hoặc là định tội danh khác so với truy tố của Viện Kiểm sát hoặc có mức án thấp. Đại biểu đề nghị, Quốc hội cần có kế hoạch giám sát số vụ án trọng điểm liên quan đến tham nhũng. Đã đến lúc Chính phủ và Quốc hội phải có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, phải vừa tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ cán bộ công chức nhà nước có ý thức phòng tránh, vừa phải có những biện pháp sắc bén, có đường lối chính sách công khai minh bạch và một thái độ nghiêm túc để làm cho người thi hành công vụ của Nhà nước không dám tham nhũng và không thể tham nhũng được.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách rõ ràng, công khai minh bạch để không còn những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thực hiện tốt chính sách ưu đãi cán bộ viên chức để họ yên tâm công tác, hết lòng phục vụ nhân dân; xử lý nghiêm khắc những trường hợp tham nhũng, người ở vị trí cao, cương vị quan trọng, đặc biệt những người đứng đầu phải bị xét xử nặng hơn để mang tính răn đe, giáo dục cấp dưới.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng Báo cáo của Chính phủ chưa nêu đầy đủ tình hình lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Các con số về các dự án, các công trình hoãn khởi công, ngừng triển khai, giãn tiến độ chỉ phục vụ cho việc thực hiện Quyết định 390 của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát từ tháng 4/2008.

Như vậy, trước thời gian đó, nhiều công trình, dự án chậm triển khai, thi công kéo dài gây lãng phí không được thống kê đầy đủ. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa nêu được con số cụ thể các dự án, công trình chậm tiến độ cũng như các con số gây lãng phí do chậm tiến độ, ai và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cho những thất thoát, lãng phí này.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho rằng công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên báo cáo của Chính phủ lại quá chung chung, không khen chê rõ ràng, từ đó sẽ không tạo được động lực cũng như chuyển biến của công tác này trong thời gian tới.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng cũng cho rằng sở dĩ công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua chưa đạt hiệu quả là do chúng ta chưa tìm ra được cơ chế thích hợp để đấu tranh phòng chống tham nhũng thật sự mang lại hiệu quả. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng được thành lập, hoạt động chuyên trách ở trung ương và các tỉnh thành được kỳ vọng như những tư lệnh trên mặt trận chống tham nhũng thì đang hoạt động “như gà mắc tóc”, trở thành những vị tướng “ba không”: không quân, không quyền và không chịu trách nhiệm. Đó là nguyên nhân các vụ án điểm ở trung ương và địa phương đều bị kéo dài quá hạn luật định, không đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà kiến nghị đầu tư cho bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm môi trường là đầu tư tầm xa, mang hiệu quả xã hội rõ rệt và cũng chính là giải pháp tiết kiệm lâu dài cho xã hội.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về những nội dung này./.

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác