Công tác dự báo còn thiếu và yếu

29/10/2008

(VOV) - Đa số đại biểu Quốc hội đều đưa ra nhận định, việc tổ chức dự báo chưa chặt chẽ, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu chính xác… đã “góp phần” gây ra những tác động xấu tới nền kinh tế

Sáng nay (28/10), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009. Hệ Thời sự-Chính trị tổng hợp Đài TNVN VOV1 và Đài Truyền hình Việt Nam đã tường thuật trực tiếp phiên họp này.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 nhận được sự nhất trí cao của đa số đại biểu. Các đại biểu cũng hoan nghênh việc Chính phủ đã kịp thời đề ra 8 nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát và bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể, củng cố niềm tin của nhân dân, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp vào chính sách, sự điều hành của Chính phủ và tính ổn định của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều  diễn biến phức tạp, khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể còn kéo dài, gây những ảnh hưởng xấu đến kinh tế nước ta. Trong khi đó, lạm phát ở nước ta vẫn còn cao, vì thế Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên tập trung cho việc kiềm chế lạm phát; đồng thời, đánh giá rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát cao để có biện pháp kiềm chế phù hợp.

Công tác dự báo chưa được coi trọng đúng tầm

Theo nhiều đại biểu, trong năm 2008, những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế tích tụ từ nhiều năm đã bộc lộ rõ rệt khi gặp sức ép từ những bất ổn mới xuất hiện; thiên tai, dịch bệnh diễn ra liên tiếp gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế-tài chính thế giới. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do công tác dự báo còn yếu kém.

Các đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), Nguyễn Hữu Trí (đoàn Tiền Giang), Nguyễn Tiến Dĩnh (đoàn thành phố Hà Nội) và nhiều đại biểu cho rằng, công tác dự báo của chúng ta trong thời gian qua chưa được coi trọng đúng tầm, nếu không muốn nói là bị xem nhẹ. Việc tổ chức dự báo chưa chặt chẽ, tính chuyên nghiệp chưa cao, dự báo thiếu chính xác, chưa kịp thời. Có những diễn biến của kinh tế thế giới đã qua đi từ lâu nhưng chúng ta chưa kịp thời dự báo, cảnh báo, dẫn đến tác động xấu đến nền kinh tế. “Một trong những thực tế dễ thấy nhất là dự báo chậm sự tăng, giảm của nền kinh tế thế giới, về tác động tiêu cực của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, giá kim loại quý hiếm, giá vật tư nguyên liệu đầu vào hoặc dự báo thiếu chính xác về thị trường lương thực, nên đã quyết định ngừng xuất khẩu gạo trong khi giá gạo thế giới tăng cao, làm thiệt hại cho người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu”- Đại biểu Lê Như Tiến nói.

Trong công tác dự báo, các đại biểu cũng cho rằng, cùng một lĩnh vực nhưng có nhiều số liệu dự báo khác nhau khiến cho nhiều nhà tham mưu hoạch định chính sách thiếu tự tin trong khi xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu và đề ra các giải pháp hữu hiệu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Trí (đoàn Tiền Giang) và các đại biểu nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập, các tác động của nền kinh tế thế giới luôn ảnh hưởng đến nước ta từng ngày, từng giờ và chúng ta có thể đón bắt cơ hội, giảm thiểu nguy cơ từ những dự báo chính xác, kịp thời, tránh phải “giật mình” khi có những tác động khách quan bất lợi. Đã đến lúc phải nhấn mạnh đến công cụ hữu hiệu của công tác dự báo trong quản lý, điều hành. Cần tăng cường đầu tư cả nhân lực, vật lực, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực của công tác dự báo cho các cơ quan dự báo các cấp, các ngành, đặc biệt là ở các cơ quan chiến lược, cơ quan tham mưu, các cơ quan hoạch định chính sách. Đồng thời phải thường xuyên quan tâm đến các kết quả dự báo của các cơ quan độc lập của các tổ chức dự báo quốc tế- một kênh tham khảo có giá trị cao.

Tích cực tháo gỡ khó khăn cho nông dân

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận buổi sáng là về nông nghiệp nông thôn. Đại biểu Hoàng Văn Lợi (đoàn Bắc Giang), Nguyễn Thanh Tân (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, trong năm vừa qua, sản xuất lương thực được mùa, nhưng nhiều hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, lạm phát tăng cao làm cho phần lớn nguyên, nhiên vật liệu, giá vật tư, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi... tăng cao. Cùng với đó, các giải pháp cho nông nghiệp hiện nay vẫn còn manh mún. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm vẫn không được thực hiện một cách quy củ. Vì thế, Nhà nước cần có các biện pháp giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; ưu tiên các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản tạo điều kiện thuận lợi để nông dân có tích lũy từ sản xuất nông nghiệp.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009./.

 

Minh Hoà-Thanh Hà

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác