Tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ tư, Quốc khoá XI tập trung nhiều thời gian để thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và hoạt động giám sát năm 2009; thảo luận về công tác tư pháp năm 2008, nhiệm vụ năm 2009 và tiến hành thảo luận 8 dự án luật để chuẩn bị xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Cảm nhận rõ nhất trong tuần làm việc thứ hai của Quốc hội là không khí làm việc khẩn trương, thể hiện tính dân chủ và tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động lập pháp. Trong 6 ngày làm việc, Quốc hội đã thảo luận 8 dự án luật. Các phiên họp thảo luận đều rất sôi nổi, đa chiều. Đặc biệt là đối với các dự luật có phạm vi điều chỉnh rộng và mang tính xã hội cao như: Dự án Luật cán bộ, công chức; Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật bảo hiểm y tế, Luật quy hoạch đô thi; Luật thi hành án dân sự…
Đối với dự án Luật cán bộ, công chức, đây chưa phải là dự luật lớn, nhưng nhạy cảm... vì phạm vi điều chỉnh là cán bộ, công chức từ Trung ương xuống tận địa phương, ở các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể - những người có chức vụ quyền hạn, nhưng lại phải là công bộc của dân. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị dự luật quy định rõ việc trả lương cho cán bộ, công chức sát với thực tiễn công vụ họ đang đảm nhiệm, nhưng cũng có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm và loại trừ được một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, cửa quyền, hách dịch, tham nhũng...
Đối với Dự án Luật quy hoạch đô thị, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng; tốc độ phát triển đô thị ở nước ta rất nhanh, thế nhưng công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Việc quản lý kiến trúc đô thị không có định hướng, chắp vá, lộn xộn và thiếu bản sắc; dẫn đến một thực trạng là bộ mặt đô thị trông rất nhom nhem, không theo một hệ thống thống nhất nào. Vì vậy, cần phải nhanh chóng xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để có được những đô thị văn minh, hiện đại.
Thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009; các đại biểu Quốc hội nêu lên một thực trạng là đang có sự mâu thuẫn giữa các luật hiện hành; nên phải xem lại quy trình xây dựng luật cũng như phải nhìn lại quá trình đi vào cuộc sống của các bộ luật đã được thông qua để có đánh giá tổng thể. Trong hoạt động giám sát, cần tập trung khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng, tránh trùng lắp. Đồng thời, tổ chức tốt việc theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện các kiến nghị sau giám sát được thường xuyên, triệt để hơn và phải theo đến cùng việc thực hiện các kiến nghị về giám sát.
Cũng trong tuần qua, Quốc hội đã nghe và thảo luận về hoạt động của các cơ quan tư pháp và công tác thi hành án. Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định: Công tác cải cách tư pháp đặt ra nhiều năm nay, nhưng chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ. Cải cách tư pháp không phải chỉ thêm một vài quy định, thêm quyền tranh tụng của luật sư trong các phiên toà; mà phải là từ nhận thức của người chấp pháp, đó là tôn trọng quyền con người và lợi ích của công dân, bảo vệ và thượng tôn pháp luật. Chính vì vậy, Quốc hội cần phải giám sát mạnh mẽ việc thực thi pháp luật, nhất là về sự yếu kém của các cơ quan tố tụng để dẫn đến tình trạng bắt giam oan, truy tố oan và xét xử oan cho người dân.
Tuần này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; phương hướng, nhiệm vụ năm 2009. Quốc hội cũng thảo luận công khai về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng năm 2008.
Hôm nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung cón có ý kiến khác nhau của Dự án Luật tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)./.